Heo là vật nuôi được nhiều bà con chăn nuôi lựa chọn chăn nuôi, bởi có trọng lượng lớn, nuôi dưỡng đơn giản và mang lại giá trị kinh tế cao. Nhưng heo cũng là vật nuôi có sức đề kháng khá kém, dễ bị vi khuẩn và virus gây bệnh tấn công. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu bệnh hô hấp phức hợp thường gặp trên heo trong bài viết dưới đây. Đâu là nguyên nhân gây bệnh và phác đồ triều trị hiệu quả cho bà con chăn nuôi.
Bệnh hô hấp phức hợp trên heo là gì?
Bệnh hô hấp phức hợp trên heo còn có tên viết tắt là PRDC (Porcine Respiratory Disease Complex), là bệnh lý gây nên các triệu chứng trên đường hô hấp do nhiều nguyên nhân kết hợp như vi sinh vật (vi rút, vi khuẩn,…), môi trường, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, … thường xảy ra trên heo sau cai sữa và heo choai vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi.
Do bệnh PRDC là một tổ hợp các loại bệnh đường hô hấp trên heo (như viêm phổi dính sườn, suyễn heo) nên việc xác định được heo đang mắc cụ thể bệnh nào trong hội chứng PRDC hay do yếu tố nào gây nên sẽ giúp ta giảm được các thiệt hại không nhỏ trong chăn nuôi heo như: giảm tỷ lệ chết, tăng tăng trọng ngày, giảm FCR, thời gian xuất chuồng, giảm chi phí thuốc,…
Tùy theo đặc điểm của mỗi trại, tỷ lệ bệnh có thể dao động từ 30 – 70%, với tỷ lệ chết thấp chỉ khoảng dưới 10%. Tuy tỷ lệ heo chết thấp so với tỷ lệ heo bệnh nhưng thiệt hại do bệnh hô hấp phức hợp gây ra rất lớn do chi phí thú y tăng cao và tăng trưởng kém của heo, năng suất sụt giảm, hiệu quả chăn nuôi thấp.
Nguyên nhân heo bị nhiễm bệnh hô hấp phức hợp
Bệnh hô hấp phức hợp xảy ra liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau được chia ra thành 3 nhóm: Vi sinh vật, môi trường (nhiệt độ, ẩm độ, không khí,…) và yếu tố vật chủ (hệ miễn dịch của vật chủ). Heo bị mắc PRDC có thể do vi sinh vật gây ra hoặc có thể chỉ là các yếu tố môi trường hoặc cũng có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Nguyên nhân gây bệnh thay đổi tùy theo trại, theo giai đoạn và theo mùa ở từng trại. Vật chủ, môi trường, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng … là những yếu tố quyết định đến tình hình bệnh hô hấp phức hợp ở trong trại. Trong nhóm yếu tố vi sinh vật, căn cứ vào đặc điểm phát sinh bệnh có thể chia tác nhân vi sinh vật gây bệnh thành 2 nhóm:
Tác nhân chính (mở đường):
Virus: PRRSv (Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản), Aujeczky virus (Giả dại – AD), Swine Influenza Virus (Cúm heo – SIV), Classic Swine Fever (Dịch tả heo – CSF), Circo virus.
Vi khuẩn: Mycoplasma hyopneumoniae (MH), Actinobacillus pleuropneumoniae (APP), Hemophilus parasuis, Pasterella multocida, Steptococcus suis, Salmonella cholerasuis.
Tác nhân phụ (cơ hội):
Pasteurella multocida, Haemophilus parasuis, Streptococcus suis, Actinobacillus sius, …
Triệu chứng trên heo
Bệnh thường phát hiện trên heo từ 14 – 20 tuần tuổi, và khoảng 8 – 10 tuần sau khi chuyển chuồng, với các biểu hiện giảm tăng trọng, giảm năng suất, bệnh tích trên đường hô hấp. Những biểu hiện khi heo phát bệnh:
– Ủ rũ, mệt mỏi
– Biếng ăn, ăn kém, bỏ ăn
– Sốt
– Chảy nước mũi
– Nhãn cầu giãn, có thể chảy nước mắt.
– Ho: ho thành từng cái một, hay ho thành 1 tràng, cũng có thể ho về đêm và rạng sáng, …
– Khó thở, có thể thở thể bụng, có thể thở đau, …
Những triệu chứng biểu hiện trên sẽ làm cho heo giảm năng suất, giảm tăng trọng, dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, thiệt hại về kinh tế không chỉ về chi phí điều trị mà còn tăng trọng, FCR, sức khỏe của đàn heo mới là những chi phí thiệt hại ngầm nặng nề hơn cả. Những triệu chứng trên sẽ không xuất hiện tất cả trên heo mà heo có thể biểu hiện một số triệu chứng, tùy vào mức độ nghiêm trọng của heo nhiễm bệnh.
Phác đồ điều trị hiệu quả bệnh hô hấp phức hợp trên heo
Bệnh hô hấp phức hợp trên heo rất phức tạp do rất nhiều nguyên nhân gây ra nên việc kiểm soát bệnh không dễ dàng. Việc xác định cụ thể nguyên nhân gây bệnh không dễ dàng, chỉ có thể đánh giá tổng thể ở nhiều nhóm nguyên nhân để đưa giải pháp phù hợp.
Khi phát hiện heo có triệu chứng hô hấp mà chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, ngày thứ nhất, bà con sử dụng sản phẩm chứa kháng sinh phổ rộng TULTATYL DC tiêm cho heo theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngày thứ 2, 3, 4 tiêm KETOCEF LA cho heo để khống chế các bệnh do vi khuẩn. Đồng thời kết hợp các thuốc bổ trợ giúp heo dễ thở, hạ nhiệt, giảm đau, tiêu viêm như: BROMHEXINE INJ, PARA C 15%, ALPHA TRYPSIN,… trong 3-5 ngày.
Trong quá trình điều trị bệnh, bà con trộn thêm sản phẩm vitamin BCOMPLEX C vào thức ăn để hỗ trợ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng giúp heo mau phục hồi.
Những biện pháp phòng bệnh cho heo
Để phòng bệnh, bà con cần kết hợp nhiều yếu tố:
– Tạo ra điều kiện môi trường tốt nhất cho con vật: mật độ nuôi, quy mô đàn,, môi trường (vệ sinh tiêu độc, nhiệt độ, ẩm độ, nồng độ khí NH3, bụi, thông thoáng, …), . Thực hiện việc sát khuẩn chuồng trại, vệ sinh dụng cụ chăn nuôi thường xuyên để kiểm soát mầm bệnh trong và ngoài khu vực chăn nuôi.
– Đảm bảo dinh dưỡng, nước uống cho heo trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Sử dụng các sản phẩm vitamin, thức ăn tổng hợp giúp cho heo mau lớn và tăng cân nhanh chóng.
– Tiêm vắc-xin phòng các tác nhân gây bệnh trên đường hô hấp (M. hyopneumonia, H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica, APP, Streptococcus, PRRSV, PCV2…) là biện pháp quan trọng và hiệu quả trong kiểm soát bệnh lý hô hấp ở heo sau cai sữa và heo choai.
– Tuy nhiên, trong trường hợp áp lực dịch bệnh cao, các giải pháp chăn nuôi chưa được thực hiện tốt, đồng bộ… bổ sung kháng sinh vào trong thức ăn hoặc nước uống cho heo là giải pháp cần thiết giúp tăng cường hiệu quả kiểm soát bệnh lý hô hấp. Việc cấp kháng sinh nên lưu ý các điểm sau:
- Thời điểm cấp kháng sinh là vào các thời điểm nguy cơ, gây nhiều stress cho heo: Cai sữa, chuyển chuồng, thời tiết thay đổi.
- Có thể sử dụng các loại kháng sinh doxycyclin, oxytetracyclin, florfenicol, amoxicillin, tylosin, tiamulin, lincomycin… trộn trong thức ăn, nước uống trong vòng 1 – 2 tuần. Liệu trình:
- Sau khi tách mẹ, trong vòng 2 tuần (cho đến sau khi chuyển sang chuồng cai sữa)
- 1 tuần trước khi bệnh xảy ra tại trại.
- 1 tuần lúc thời điểm khí hậu thay đổi.
- 1 tuần sau khi nhập đàn – trộn đàn – thay đổi thức ăn.
Bệnh hô hấp phức hợp trên heo là một căn bệnh phức tạp và để lại những thiệt hại lớn cho bà con chăn nuôi. Nhưng bệnh có thể chủ động phòng tránh bệnh và điều trị hiệu quả nếu như phát hiện sớm và can thiệp bằng phác đồ điều trị hiệu quả. Qua bài viết trên Mebipha mong sẽ giúp ích cho bà con chăn nuôi và đạt được thành công trong ngành chăn nuôi.
Tham khảo thêm tại www.mebipha.com và hotline 0948 810 808.
Bộ phận nghiên cứu phát triển.
Công ty TNHH SX TM Mebipha.