Bệnh đóng dấu trên heo và các phòng trị

Bệnh đóng dấu heo là một căn bệnh không còn quá xa lạ với nhiều bà con chăn nuôi heo trên toàn quốc. Bệnh gây ra thiệt hại lớn trên đàn heo và giảm năng suất vật nuôi của bà con. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra bệnh? Điều trị như nào? là những câu hỏi mà rất nhiều bà con chăn nuôi chưa nắm rõ. Chính vì vậy Mebipha xin được cung cấp kiến thức về bệnh đóng dấu trên heo đến mọi người qua bài viết dưới đây.

Bệnh đóng dấu heo

Bệnh đóng dấu trên heo là bệnh gì?

Bệnh đóng dấu heo là một căn bệnh truyền nhiễm rất phổ biến ở heo từ 3-12 tháng tuổi và thường xuất hiện vào mùa nóng khi nhiệt độ thay đổi đột ngột và các yếu tố stress khác.

Đặc trưng của bệnh là heo sốt cao, bỏ ăn, chết đột ngột, xuất huyết da với những vết đỏ hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình kim cương, viêm khớp hay viêm nội mạc tim.

Nguyên nhân gây bệnh

Đường xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể vật chủ chủ yếu qua đường tiêu hóa, một số trường hợp xâm nhập qua vết thương ở da, niêm mạc.

Bệnh do vi khuẩn Erysipelothrix rhusiopathiae hình que, Gram (+) gây ra, thường tồn tại trong môi trường từ những nguồn nhiễm như phân, nước tiểu của gia súc bệnh hay gia súc mang trùng. Erysipelothrix rhusiopathiae được tìm thấy trong niêm mạc họng, tuyến amidan và niêm mạc đường hô hấp phía trên, khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn tăng sinh và gây bệnh, nhất là khi nắng nóng, nồm ẩm, oi bức, độ ẩm cao, chăm sóc nuôi dưỡng kém.

Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua tuyến amidan, đường dạ dày ruột, thậm chí qua những vết thương trên da. Từ nơi nhiễm, vi khuẩn tăng sinh và nhiễm vào máu sau 1-7 ngày. Nhiễm khuẩn ồ ạt với số lượng vi khuẩn lớn sẽ gây bệnh cấp tính, sốt cao và heo chết đột ngột. thường thì sốt kèm theo khu trú vi khuẩn ở dưới những đám da đỏ.

Thỏ, chuột bạch, gà, gà tây, vịt, bồ câu cũng mắc bệnh.

Nguồn bệnh chủ yếu là heo bị bệnh, xác chết heo vì bệnh đóng dấu, heo khoẻ mang trùng thải mầm bệnh ra môi trường bên ngoài qua phân, chất tiết từ miệng, mũi,….
Nguồn bệnh thứ yếu là môi trường, dụng cụ, thức ăn, nước uống, côn trùng bị nhiễm mầm bệnh hoặc do người chăn nuôi bị phơi nhiễm.

Bệnh đóng dấu heo

Triệu chứng

Thời kỳ nung bệnh thường từ 1-8 ngày, trung bình 3-5 ngày ở thể cấp tính. Bệnh xảy ra có thể gặp ở thể quá cấp, thể cấp và thể mãn tính.

Thể quá cấp

Xảy ra đột ngột, nhanh, thời gian nung bệnh chỉ 1-3 ngày. Heo sốt cao 41-42°C, có khi 43°C, mắt đỏ, bỏ ăn, nằm lì một chỗ, trụy tim rồi chết trong vòng 2-3 giờ hoặc 12-24 giờ sau khi thân nhiệt hạ. Bệnh thường xảy ra ở heo 3-4 tháng tuổi.

Có nhiều trường hợp bệnh tiến triển nhanh, quá cấp, heo chết mà trên da chưa xuất hiện những dấu son gọi là bệnh “đóng dấu trắng”.

Thể cấp tính (bại huyết)

Thể này thường gặp ở heo với các lứa tuổi, gây chết nhiều. Heo sốt cao 41-42°C, da khô, run rẩy bốn chân, quỵ gục, bỏ ăn và chết sau 12-48 giờ do ngạt thở.  Heo có triệu chứng đi táo, phân đóng cục, có màng bọc lầy nhầy, về sau heo đi phân lỏng. Kết mạc mắt viêm, mắt đỏ, chảy nước mắt, vật khó thở nhịp thở tăng. Hai ba ngày sau xuất hiện những nốt xung huyết từng đám hình tròn hay hình vuông với kích thước khác nhau và tạo thành những nốt viêm da, nổi mẩn cứng khắp cơ thể (da kim cương). Đặc điểm của những nốt này ở heo trắng dễ rất dễ nhận biết bằng mắt thường, khi dùng ngón tay ấn vào thì trở thành bệch trắng, khi bỏ tay ra đám đỏ trở lại như cũ (sung huyết). Ở heo đen, có thể sờ thấy các nốt sần mẩn cứng sung huyết này.

Bệnh tiến triển từ 3-5 ngày, con vật yếu dần, thở khó, thân nhiệt hạ thấp nhanh. Tỷ lệ chết thường từ 50-60%. Nếu bệnh kéo dài hơn 1 tuần lễ thì bệnh chuyển sang thể thứ cấp hay thể mãn tính.

Thể mãn tính

Thể này thường tiếp theo thể cấp hay thứ cấp khi bệnh có khuynh hướng kéo dài. Heo ăn uống kém, gấy còm, thiếu máu, niêm mạc nhợt nhạt, thân nhiệt bình thường hoặc sốt nhẹ. Heo bị viêm các khớp chân, đi lại khó khăn, triệu chứng hoại tử thấy ở nhiều nơi trên cơ thể: da sưng đỏ, lan rộng, khô dần và bong ra từng mảng. Ngoài ra còn thấy triệu chứng ỉa chảy kéo dài, rụng lông, niêm mạc lợi bị loét. Bệnh có thể kéo dài 3-4 tháng, con vật có thể khỏi hoặc chết do gầy mòn, kiệt sức. Có con chết bất thình lình do viêm nội tâm mạc, tim ngừng đập hoặc do xuất hiện thể bại huyết.

Cách điều trị

– Dùng kháng sinh kết hợp với các thuốc bổ trợ như ADE BC COMPLEX, Vitamin C 10%, MULTI-GLUCAN,…Dùng PENSTREP LA: Tiêm bắp thịt 1ml/20kg thể trọng/ngày, tiêm 3-5 ngày. Ngoài ra Pha Amoxicillin hoặc Tetracycline vào nước uống cũng rất hiệu quả.

– Trường hợp thú bị sốt dùng thêm một trong các sản phẩm sau để giảm sốt: ANALGIN C, PARA C

-Vệ sinh sát trùng chuồng trại định kỳ (2-3 lần/1 tuần) bằng MEBI-IODINE.

Tiêm Vaccine cho heo

Các biện pháp phòng bệnh

Để phòng bệnh đóng dấu trên heo hiệu quả bà con chăn nuôi cần thực hiện tốt các công tác vệ sinh thú y trong khu chăn nuôi. Vì bệnh xuất phát từ vi khuẩn trú ngụ trong chuồng trại nên cần phải thực hiện khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên.

Nâng cao sức đề kháng, chống stress, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho heo.

Nếu phát hiện heo đực giống có biểu hiện sốt với các vết xước xát, cần điều trị ngay và không cho phối trong thời gian tối thiểu bốn tuần.

 

Cho đến hiện tại việc tiêm vaccine được xem là cách phòng bệnh hiệu quả nhất cho đàn heo nên bà con cần thực hiện tiêm vaccine định kỳ.

Tham khảo thêm tại www.mebipha.com và hotline 0948 810 808.

Bộ phận nghiên cứu phát triển.

Công ty TNHH SX TM Mebipha