Bệnh E.coli trên vịt là bệnh truyền nhiễm do một nhóm vi khuẩn E.coli độc lực cao gây ra. Bệnh thường gặp ở vịt mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt gây thiệt hại cho vịt từ 3-15 ngày tuổi với biểu hiện đặc trưng như rụt cổ, xù long, mắt lim dim, tiêu chảy, phân màu trắng… rồi chết. Tỉ lệ chết có thể lên đến 60-70% nếu không có biện pháp phát hiện và điều trị kịp thời. Những con sống sót thường còi cọc, chậm lớn và sử dụng thức ăn kém. Mebipha xin chia sẻ với bà con chi tiết về bệnh do E.coli trên vịt.
Nguyên nhân vịt nhiễm E.Coli
Vi khuẩn E.coli gây bệnh trên vịt chủ yếu do 2 chủng E.coli 02 và 078. Có nhiều chủng E.coli khác có trong đường tiêu hoá của vịt nhưng ít khi gây bệnh. Mỗi một chủng E.coli khác nhau sẽ gây bệnh và thể hiện những triệu chứng và bệnh tích khác nhau. Vi khuẩn E.coli xâm nhập qua vết thương ở đường hô hấp, tiêu hoá và có thể đi thẳng vào máu gây bại huyết làm cho vịt chết đột ngột mà chưa biểu hiện bệnh tích. Ngoài ra khi điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng không tốt, nhất là việc cho ăn không hợp lý sẽ tạo điều kiện cho E.Coli có sẵn trong ruột già của vịt phát triển và gây bệnh.
Triệu chứng bệnh E.coli
Bệnh có thể xảy ra ở hai thể cấp tính và mãn tính. Nhìn chung, triệu chứng lâm sàng thường không điển hình.
Thời gian nung bệnh từ 3 – 5 ngày. Ở vịt 3 ngày tuổi đã có thể nhiễm bệnh, vịt bị rụt cổ, lông xù, mắt lim dim như buồn ngủ, bại liệt hai chân; một số con có triệu chứng cảm cúm, sổ mũi và khó thở, tiêu chảy phân loãng có màu trắng xanh rồi chết. Trước khi chết nhiều con có triệu chứng thần kinh như: co giật, quay đầu, ngoẹo cổ… vịt đẻ chết rải rác, giảm đẻ, vỏ trứng dính máu.
Bệnh tích E.Coli
Vịt chết nghi mắc bệnh E.coli, khi mổ khám quan sát thấy các bệnh tích:
– Màng bao tim bị viêm, có màu trắng như bã đậu và đồng thời trên tim có hiện tượng xuất huyết.
– Gan sưng to bất thường, nếu bệnh nặng thì cả hai lá gan đều sưng đỏ và xuất huyết lấm tấm. Đi kèm với đấy là túi mật thường căng to. Bệnh nhẹ thì chỉ thấy phần dưới của gan sưng và xuất huyết còn phần trên có màu vàng.
– Lá lách sưng và có đốm.
– Kiểm tra đường ruột thấy màng bụng bị viêm, có sợi tơ trắng dính vào xoang bụng và ruột.
– Màng túi khí viêm trắng và có chất nhầy màu vàng do hoại tử.
– Ống dẫn trứng viêm có dịch nhầy trắng xuất hiện.
Điều trị
Tiến hành sát trùng, tiêu độc để giảm thiểu mầm bệnh trong chuồng nuôi, tránh nhiễm bệnh kế phát.
Trường hợp bệnh nhẹ dùng các loại kháng sinh cho uống hay trộn vào thức ăn như: MEBI-COLI WS hoặc FLORDOX hoặc MEBI-FLOR 20% liên tục trong 5 – 7 ngày theo liều nhà sản xuất. Trường hợp bệnh nặng dùng kháng sinh tiêm MULTIBIOTIC LA tiêm bắp 1 ml/5kg thể trọng trong 72 giờ.
Trong quá trình điều trị có thể phối hợp hai phương pháp tiêm và uống với nhau để mang lại hiệu quả cao và nhanh hơn. Tăng cường sức đề kháng của gia cầm bằng cách bổ sung một trong những sản phẩm MULTIVITAMIN WS, Vitamin C 10% và ELECTROLYTES. Sử dụng men tiêu hóa để cải thiện sức khỏe của vịt sau quá trình điều trị bệnh.
Sau mỗi lần điều trị nếu có điều kiện nên lập kháng sinh đồ bởi vì vi khuẩn E.Coli luôn gây đề kháng với thuốc.
Biện pháp phòng bệnh E.Coli trên vịt
Trong công tác phòng bệnh E.Coli trên vịt thì cần đặc biệt chăm sóc vịt con ngay từ những ngày đầu khi lấy từ lò ấp về, không để chúng bị lạnh và ăn thức ăn tự nhiên quá sớm (tép, cá sống…). Trong thức ăn tự nhiên chứa nhiều ký sinh trùng gây bệnh và vi khuẩn E.Coli.
Thực hiện công tác vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ và phun thuốc sát trùng định kỳ 2 lần/tuần để tiêu diệt mầm bệnh trong và ngoài môi trường. Bổ sung các sản phẩm vitamin, thuốc tăng đề kháng trong thức ăn, nước uống. Điều này giúp vịt tăng sức kháng bệnh, chống stress khi môi trường thay đổi và tăng năng suất cho gia cầm đẻ trứng cũng như tăng tỷ lệ trứng có phôi và tỷ lệ ấp nở cao.
Tham khảo thêm tại www.mebipha.com và hotline 0948 810 808.
Bộ phận nghiên cứu phát triển.
Công ty TNHH SX TM Mebipha.