Các căn bệnh viêm da trên vật nuôi khá phổ biến, một số căn bệnh không gây hại cho vật nuôi. Nhưng cũng có những căn bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp lúc thì nguy cơ vật nuôi chết rất cao. Hôm nay Mebipha sẽ chia sẻ đến bà con chăn nuôi heo căn bệnh viêm da tiết dịch thường gặp trên heo con và cách phòng trị hiệu quả.
Nguyên nhân
Bệnh viêm da tiết dịch trên heo là bệnh do vi khuẩn Staphylococcus hyicus gây ra trên heo con, heo nhỏ hơn 8 tuần tuổi thường dễ mắc bệnh này. Vi khuẩn Staphylococcus hyicus thường có mặt trong môi trường sống của heo, khi các vùng da tổn thương (do bị trầy, cắn hay bị xước do rơm lót, mùn cưa) gặp điều kiện thuận lợi, sức đề kháng của heo bị giảm xuống, vi khuẩn nhân lên với số lượng lớn và gây bệnh cho heo. Ghẻ cũng là nguyên nhân tiền phát bệnh. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là nổi nốt nhanh, mọc dày đặc trên da, sau vỡ ra tạo thành màng nhờn, rỉ dịch, nhưng không ngứa. Bệnh dẫn đến cơ thể bị mất nước, chậm lớn, có khi gây tử vong. Tỷ lệ mắc bệnh 10 – 90%, tỷ lệ chết 5 – 90%. Vi khuẩn còn sản sinh độc tố tấn công và làm tổn thương hệ thống gan và thận.
Heo con sơ sinh và heo con sau cai sữa có thể mắc bệnh với tỷ lệ cao do số lượng vi khuẩn Staphylococcus hyicus trong âm đạo của heo mẹ tăng cao trong những ngày trước khi sinh.
Triệu chứng trên heo
Dấu hiệu ban đầu khi heo vừa nhiễm bệnh viêm da là heo bơ phờ, chậm chạp, ít vận động, chán ăn. Dấu hiệu này thường xuất hiện đồng loạt trên cả lứa heo hoặc 1 phần của lứa.
Tiếp đó thấy da ửng đỏ lên chủ yếu ở vùng da mỏng như vùng nách, háng, da bụng nhưng heo không ngứa, heo không sốt. Xuất hiện các nốt màu nâu có đường kính 1-2 cm, xung quanh bao bọc bởi huyết thanh và dịch rỉ viêm ở vùng da mặt và đầu. Theo thời gian, các nốt chuyển từ màu nâu sang đen dần do hoại tử.
Trong trường hợp viêm cấp tính, các mảng da viêm lan rộng nhanh chóng và kết thành khối, mảng trên da rồi lan ra toàn thân chỉ trong vòng 24-48h. Các mảng viêm có thể bong tróc ra để lại những mảng da loét với đầy dịch rỉ viêm. Heo mất nước, mất điện giải trầm trọng và có thể dẫn đến tử vong.
Heo có thể viêm loét ở trong miệng và trên lưỡi.
Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao nhất trên heo con nhỏ hơn 8 tuần tuổi. Với heo lớn hơn 8 tuần tuổi thường chỉ có một vài tổn thương ở phần đầu, heo bị bệnh không chết nhưng tăng trưởng chậm.
Heo trưởng thành thỉnh thoảng có một vài nốt viêm màu nâu xuất hiện trên lưng và hai bên sườn.
Phác đồ điều trị
Khi phát hiện heo nhiễm bệnh viêm da tiết dịch, tùy vào tiên lượng của mỗi con mà xác định xem có nên điều trị hay không, vì một số trường hợp quá nặng bà con nên loại bỏ để tránh lây lan sẽ tốt hơn điều trị.
Sau khi loại bỏ những con quá yếu, bệnh quá nặng, bà con tiến hành điều trị theo các bước sau:
Cách ly heo bệnh ra khỏi đàn.
Vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi, giữ chuồng nuôi luôn khô ráo.
Tiêm kháng sinh cho từng con heo bị bệnh bằng 1 trong các sản phẩm sau: PENSTREP LA, CEFTRI ONE 50 LA, LINSPEC INJ theo liều hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Đối với vùng da bệnh, bà con có thể dùng nước lá trầu không sắc đặc và tắm cho heo, sau đó dùng tiếp dung dịch phèn chua 3% tắm tiếp rồi dùng vải khô lau khô rồi bôi IODINE 10% ngày 2 lần.
Hòa điện giải ELECTROLYTES vào nước cho heo uống thay nước. Kết hợp trợ sức, trợ lực, nâng cao sức đề kháng, thúc đẩy quá trình tái tạo và phục hồi da bằng các sản phẩm vitamin: MEBI-DEXTRAN INJ, METOSAL 10%, ADE BC INJ, MEBI-AMINOVITA, MEBIMIX 1 theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Diệt sạch ghẻ, ký sinh trùng ngoài da cho toàn bộ heo để bệnh không phát triển nặng thêm.
Đối với những con heo còn lại trong trại có nguy cơ mắc bệnh cao, tiêm kháng sinh Amoxicillin hoặc Oxytetracycline để phòng bệnh theo chỉ định.
Công tác phòng bệnh cho heo
Việc phòng bệnh là hết sức cần thiết với heo con, đảm bảo heo luôn khỏe mạnh và cho năng suất chăn nuôi tốt. Bệnh viêm da tiết dịch trên heo không quá khó để phòng tránh, để vi khuẩn Staphylococcus hyicus không lây lan trong đàn heo thì bà con chăn nuôi cần thực hiện như sau:
– Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Chuồng trại khô ráo, độ ẩm không quá 70%, nhiệt độ không quá nóng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
– Phun sát trùng định kỳ bằng các loại sát trùng có chứa phenol.
– Kiểm tra và sửa chữa chuồng trại, tránh những chỗ gồ ghề có thể gây trầy xước cho heo.
– Bấm nanh kỹ, cắt tai, cắt đuôi đúng kỹ thuật. Hạn chế heo cắn nhau do nuôi nhốt mật độ cao hoặc bị stress.
– Thực hiện triệt để nguyên tắc cùng vào cùng ra (all in – all out) đối với heo sau cai sữa và heo thịt.
Tham khảo thêm tại www.mebipha.com và hotline 0948 810 808.
Bộ phận nghiên cứu phát triển.
Công ty TNHH SX TM Mebipha.