Giá thịt lợn tiếp tục tăng mạnh, nhiều tỉnh phía Bắc tiến gần tới giá 70.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong 3 năm nay.
Tại các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, giá thịt lợn hơi dao động 58.000-59.000 đồng/kg.
Giá lợn tại miền Bắc lập kỉ lục mới
Giá thịt lợn tại Hưng Yên, Thái Bình tăng mạnh lên 62.000-63.000 đồng/kg. Ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc có nơi lên tới 64.000 đồng/kg. Cá biệt khu vực biên giới phía Bắc, giá lợn hơi có nơi được thương lái trả tới gần 70.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên lên tới 50.000-58.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với ngày hôm trước lên 58.000 đồng/kg.
Tại miền Nam giá thịt lợn theo đà tăng mạnh, giá lợn hơi tại Vũng Tàu đã tăng vọt lên 60.000 đồng/kg. Tại Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai cũng tăng tới 57.000 đ/kg. Mức giá thấp dưới 50.000 đồng/kg chỉ còn ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang.
Tại các chợ dân sinh giá thịt lợn khoảng từ 100.000-110.000 đồng/kg, tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ giá thịt lợn được niêm yết 102.000-109.000 đồng/kg tùy loại. Giá thịt lợn vào thời điểm này đang cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất trong năm 2018 và cao hơn 200% so với năm 2017.
Với đà tăng giá như hiện nay, cùng với nhu cầu tiêu thụ lớn trong nước vào dịp cuối năm, giá thịt lợn có thể lên tới hơn 70.000 đồng/kg. Đây sẽ là mức giá kỷ lục trong nhiều năm gần đây.
Nhu cầu thịt lợn sẽ tiếp tục tăng dịp cuối năm
Với sự thiếu hụt nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi vừa diễn ra và tốc độ tái đàn đang diễn ra chậm nên giá thịt lợn trong thời gian tới sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Ngoài ra, tại Trung Quốc cũng đang khan hiếm nguồn thịt lợn, việc Trung Quốc nhập thịt lợn với giá cao sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường thịt lợn trong nước.
Trước sức ép nguồn cung trong nước thiếu hụt đã đẩy giá lợn tăng cao chưa từng có, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tính đến các biện pháp bình ổn.
Theo đó, sẽ tiếp tục cân nhắc chuyện nhập khẩu thịt lợn, đẩy mạnh tái đàn ở những khu vực an toàn dịch bệnh, bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt bằng các loại thịt gà, trâu, bò, thủy sản…
Một số biện pháp đã được triển khai nhưng, do phải tiêu hủy gần 6 triệu con, cộng với cơ cấu thịt lợn vẫn chiếm 70% thực phẩm trong bữa ăn của người Việt… Thiếu hụt thịt lợn cục bộ có thể vẫn diễn ra nhất là thời điểm cuối năm nhu cầu tăng cao.
Theo PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện giá lợn hơi đang cao nhất từ trước tới nay. Do mới qua dịch tả lợn châu Phi tâm lý người dân còn e ngại nên tái đàn rất ít, cung – cầu mất cân đối.
Người nuôi lợn lúc này thu được lợi nhuận cao nhưng cũng phải thận trọng, bởi vì lợi nhuận cao sẽ lại tái đàn. Việc tái đàn ồ ạt đến khi cung nhiều cầu ít.
“Nhà nước cần phải có các giải pháp để bình ổn giá, có thể sẽ nhập khẩu thịt lợn. Nếu để giá lợn lên cao sẽ ảnh hưởng tới đời sống của người dân, trực tiếp là những người có mức thu nhập thấp trong xã hội”, PGS TS Ngô Trí Long nói.
Giá lợn cũng là một trong những yếu tố dẫn mặt bằng nhóm hàng thực phẩm tăng. Tuy nhiên, nó chỉ trong khối hàng thực phẩm, còn về cơ bản chúng ta sẽ vẫn kiểm soát được lạm phát từ nay tới cuối năm, PGS Ngô Trí Long phân tích thêm.
Nguồn: https://news.zing.vn/gia-lon-cao-ky-luc-va-tiep-tuc-tang-viet-nam-co-nhap-khau-thit-post999537.html