20 năm trên thương trường, trải qua nhiều thành công và cả những thất bại, bà Lâm Thúy Ái quan niệm rất nhẹ nhàng về việc “được mất” trong cuộc sống. “kinh doanh ai cũng nghĩ đến lợi nhuận, nhưng kiếm tiền phải đi cùng với việc phụng sự xã hội”, bà nói.
* Lý do đến với nghề sản xuất thuốc thú y và thuốc thủy sản?
– Ba mẹ tôi rất yêu đất đai. Mẹ tôi bảo mình có vài mẫu đất, nếu bán đi thì một thời gian sẽ tiêu hết tiền, nhưng nếu làm nông nghiệp thì sẽ giữ được đất, đẻ ra tiền. Tôi là người yêu ngành nông nghiệp. Tôi thích trồng cây và đợi nó phát triển, nuôi con vật và đợi nó lớn lên, từ đó càng hiểu sự vất vả và quý trọng nghề nông. Có lẽ vì thế nên duyên số cho tôi thành hôn với một bác sĩ thú y. Rồi chúng tôi cùng nhau xây dựng nên Mebipha như ngày nay.
* Ông bà đã xây dựng Mebipha như thế nào?
– Trong kinh doanh, chúng tôi theo đuổi triết lý 3P (People – con người, Product – sản phẩm, Profit – lợi nhuận). Con người – nhân sự là hàng đầu. Chúng tôi muốn nhân viên ban ngày làm việc hết mình, tối ngủ ngon giấc, không phải lo lắng bất cứ điều gì. Nhân viên của tôi hiểu được điều đó, nên họ vui vì được làm việc cho một DN thượng tôn pháp luật, luôn chú trọng lợi ích người làm công. Để làm ra những sản phẩm tốt phải có quy trình chuẩn. Tôi tâm niệm, khi thiết lập một quy trình sản xuất, nếu làm không đúng, khách hàng, nhà chức trách có thể không biết, nhưng nhân viên của tôi biết. Khi đó, họ sẽ không tôn trọng mình. Phải làm đúng để thanh thản với chính lương tâm mình. Kinh doanh ai cũng nghĩ đến lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận phải đi cùng với việc phát triển bền vững, phải cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan: nhà cung cấp – nhà phân phối – người tiêu dùng. Tôi xác định, kiếm tiền phải đi liền với việc phụng sự xã hội. Có thể DN sẽ không giàu nhanh nhưng sẽ phát triển bền vững, chậm mà chắc.
Bà Lâm Thúy Ái – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH SX – TM Mebipha
* Trong năm 2023, DN của bà chắc cũng gặp không ít khó khăn?
– Như mọi DN khác, chúng tôi không tránh được những khó khăn do hậu Covid-19 và xung đột địa – chính trị trên thế giới. Thậm chí có những lúc nhà máy chỉ hoạt động 3-4 ngày/tuần. Chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn khác như lãi suất ngân hàng những tháng đầu năm quá cao, chưa được hưởng gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước. Bốn năm qua, ngành chăn nuôi heo bị ảnh hưởng bởi dịch tả châu Phi, giá cả bấp bênh. Mấy năm qua, nhiều DN lớn vi phạm pháp luật khiến tôi cũng bị ảnh hưởng về tâm lý.
* Mebipha đã làm gì để vượt qua những khó khăn đó?
– Chúng tôi đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Có những đơn hàng chấp nhận lỗ để duy trì hoạt động. Với nhân sự, thay vì cắt giảm thì chúng tôi điều chỉnh luân phiên để họ được đi làm. Với các nhà cung cấp và khách hàng, chúng tôi chia sẻ thẳng thắn khó khăn để họ hỗ trợ. Về mặt tài chính, chúng tôi bớt mua sắm tài sản, khai thác tối ưu tài sản cố định, thậm chí, tôi sẵn sàng bán bớt tài sản để trả nợ. Nhờ đó, chúng tôi không bị nợ xấu với ngân hàng, bởi DN nào có sử dụng vốn ngân hàng mà lâm vào nợ xấu thì sẽ rất khó khăn.
* Thế còn tín hiệu vui…
– Tôi hài lòng nhất trong năm qua là các cấp quản lý đều đồng lòng gánh vác, chia sẻ với ban lãnh đạo Mebipha. Do có sự chuẩn bị trước, xác định được những tình huống xấu nhất của thị trường nên chúng tôi đã vượt qua khó khăn. Vì thế, chúng tôi tiếp tục có dự án mới mang tên Mebi Farm – khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao.
* Cụ thể, thưa bà?
– Mebi Farm là mô hình khép kín, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà chúng tôi ấp ủ lâu nay. Chúng tôi kỳ vọng nó sẽ là một hình mẫu trong ngành chăn nuôi gia cầm bởi không sử dụng đạm động vật làm thức ăn cho gà đẻ trứng. Khuôn viên của Mebi Farm luôn xanh và sạch. Tôi cũng mong muốn đây sẽ là một nơi để DN trong Thành phố đến tham khảo. Đến nay thì Mebi Farm đã hoàn thành 70%, chỉ còn những khâu cuối. Mọi thiết bị của trang trại đã lắp đặt gần xong, chỉ có máy ủ phân hữu cơ đang trên đường về. Khuôn viên nhiều cây xanh đã đâm chồi nảy lộc. Dự định của chúng tôi là giữa năm 2024 sẽ khánh thành Mebi Farm.
* Hơn 20 năm phát triển Mebipha, bà có nghĩ DN của mình sẽ trở thành một doanh nghiệp lớn trong ngành, doanh nghiệp dân tộc Việt Nam?
– Tôi mong muốn đưa Mebipha trở thành DN của quốc gia. Trước đây, tôi thường nghĩ đến các tập đoàn nước ngoài có những thương hiệu mà nhắc đến người ta nghĩ ngay đến quốc gia sinh ra nó. Càng có nhiều DN dân tộc thì quốc gia càng lớn mạnh. Nhưng để xây dựng một DN dân tộc, đừng yêu cầu Nhà nước phải làm gì cho mình. Tôi quan niệm, để trở thành DN dân tộc, trước tiên phải hoạt động đúng pháp luật, phải có uy tín trên thị trường, không chỉ là DN dẫn đầu trong ngành mà phải là DN dẫn dắt, tạo điều kiện cho DN trong chuỗi cùng phát triển theo đúng tiêu chí “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
* Bà nghĩ gì về DN gia đình?
– Tại Việt Nam, thời gian qua có không ít DN gia đình lớn mạnh, trở thành tập đoàn kinh tế có tinh thần dân tộc, có tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Đó là niềm tự hào chung. Nhiều người lo lắng về đội ngũ kế thừa, nhưng theo tôi, thay vì lo lắng hãy thiết lập mô hình DN chuẩn để thế hệ nào cũng tiếp bước được.
* Bà có thể cho biết Mebipha đã áp dụng công nghệ gì để nâng cao chất lượng sản phẩm?
– Chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp thay thế thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Mebipha chú trọng phân bón, thức ăn không tồn dư hóa chất gây hại cho cây trồng, vật nuôi. Mebipha luôn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để tạo ra sản phẩm lành tính, như dùng vi sinh và thảo dược để hạn chế mùi hôi, ủ phân hữu cơ, ủ rác, cỏ thành mùn để trồng cây.
* Bà từng chia sẻ, Mebipha mong muốn chinh phục mọi thị trường, giờ những thị trường chính của Mebipha là…
– Xuất khẩu thực phẩm chính ngạch không phải dễ, bởi để xin giấy phép nhập khẩu đến một nước phải qua rất nhiều cơ quan chuyên trách, có khi hai năm mới xong. Chúng tôi chấp nhận điều đó và tuân thủ quy chuẩn quốc tế, quy trình của nước nhập khẩu, phấn đấu mỗi năm xuất khẩu sản phẩm đi một nước.
Tại Việt Nam, chúng tôi cung ứng thuốc thú y cho 15 tập đoàn chăn nuôi đa quốc gia. Có những tập đoàn yêu cầu trên 50 tiêu chuẩn, từ bao bì sản phẩm đến chất lượng. Tuy khó khăn, nhưng khi đạt được điều đó, chúng tôi thấy việc xuất khẩu trở thành bình thường.
* Các nhà máy của bà đều đạt tiêu chuẩn “xanh”?
– Khi tôi xây nhà máy ở Tây Ninh, quy định lúc đó là xây dựng 70% diện tích khuôn viên, 30% dành cho giao thông, cây xanh, nhưng tôi chỉ xây dựng chưa đến 60%. Tôi muốn nhà máy được bao phủ bởi không gian xanh, thân thiện với môi trường.
Mebipha sẽ dần dần chuyển đổi xanh nhà máy, sử dụng thiết bị dùng năng lượng mặt trời để góp phần giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bởi tôi hiểu, phát triển DN không phải chỉ cho mình mà còn cho thế hệ sau.
* Không chỉ là một “doanh nghiệp xanh”, Mebipha còn được nhiều người biết đến có môi trường làm việc tốt…
– Nhân viên của chúng tôi chia theo cấp độ và vị trí công việc, trả lương theo năng lực, trình độ, thái độ với công việc. Vị trí trưởng, phó phòng luôn dành cho người có năng lực, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi. Chúng tôi cho phép nhân viên sai, nhưng chỉ sai do trình độ chưa tốt, không được phép sai do thiếu đạo đức. Chúng tôi luôn đặt đạo đức lên hàng đầu, và yêu cầu cao về sự trung thực. Chúng tôi có quỹ “Mái ấm Mebi” hỗ trợ nhân viên xây, sửa nhà, giải quyết khó khăn. Với những nhân viên có nhiều cống hiến cho Công ty, chúng tôi có chính sách chia cổ phần, hoặc nếu nhân viên muốn lập nghiệp, trở thành nhà phân phối của Mebipha, chúng tôi sẵn sàng.
* Bà mong chờ gì trong năm 2024 này?
– Với công việc thì tôi mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chăn nuôi và trồng trọt phát triển. Tôi mong người tiêu dùng hiểu rằng, muốn có sản phẩm sạch thì giá không thể quá rẻ bởi nguyên liệu, quy trình sản xuất đều phải đảm bảo nghiêm ngặt. Muốn có quả ngọt thì phải trồng và vun tưới, muốn mát mẻ thì trồng nhiều cây xanh.