Thương lái Trung Quốc móc nối tung tin đồn giá trâu, bò giảm?

1

Ông Chinh cho biết, trước tin đồn thất thiệt, người nuôi trâu, bò không được nghe theo lái buôn bán tống, bán tháo vật nuôi mà  cần tỉnh táo, bình tĩnh theo dõi sát thông tin tuyên truyền trên các báo, đài chính thống để nắm được giá, tránh bị lừa dẫn đến thua lỗ. (Ảnh: Nông dân chăn thả bò trên cánh đồng thuộc huyện Gia Viễn (Ninh Bình).

Móc nối tính hại nhà nông

Ông Chinh cho rằng, đó chỉ là tin đồn thất thiệt, bởi lẽ hiện nay nguồn cung thịt trâu, bò cho thị trường trong nước vẫn rất thiếu, bà con nuôi ra vẫn chưa đủ ăn, đủ bán nên Việt Nam hàng năm phải nhập số lượng khá lớn bò hơi từ một số nước trên thế giới mới đủ dùng.

Theo ông Chinh, do thị trường trong nước đang rất thiếu thịt trâu, bò nên người chăn nuôi loài vật nuôi này vẫn có thể “sống khỏe”. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây ở một số tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… xuất hiện tin đồn nhảm cho rằng giá trâu, bò “lao dốc”, có nơi giảm giá đến 30% đến 40% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán đều là tin gây hại cho nhà nông.

“Theo tìm hiểu của tôi có một số nơi giá trâu, bò chỉ giảm nhẹ chút ít do ảnh hưởng chung của giá lợn. Tuy nhiên hiện giá lợn đã nhích lên dần và dự báo từ nay đến cuối năm lợn sẽ được giá nên người chăn nuôi trâu, bò không phải lo, bà con cứ yên tâm tăng đàn làm giàu” – ông Chinh khẳng định.

2

Ông Phan Văn Miền kiểm tra sức khỏe bò của gia đình ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình).

Lấy dẫn chứng thêm về vấn đề này, ông Chinh cho hay: “Tin đồn trâu, bò mất giá có thể việc thông tin truyền thông có vấn đề, đặc biệt có thể do các thương lái ở phía Trung Quốc và Việt Nam móc nối với nhau để gây lũng đoạn thị trường, ép giá làm khổ người nuôi trâu, bò. Bởi lẽ tin đồn nguy hiểm trên cũng đã từng xuất hiện năm 2013 gây hoang mang dư luận song khi các cơ quan truyền thông, báo, đài trong nước vào cuộc mới dập tắt được”.

Đẻ thưa, đẻ ít, không ăn cám cò

Cũng theo ông Chinh, việc nuôi trâu, bò cũng là nghề khá đặc thù, không giống như nuôi lợn, trâu, bò sinh sản chậm có con 1 năm đẻ 1 lứa, có con trên 1 năm mới được lứa. Mỗi lần sinh sản, trau, bò nái chỉ đẻ được bình quân 1 con. Hơn nữa, hiện trâu, bò chủ yếu nuôi ăn cỏ, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, không ăn cám công nghiệp nên thời gian nuôi, xuất bán rất chậm nên hiện nguồn cung ra thị trường vẫn rất thiếu. Ông Chinh cho biết thêm, tính đến thời điểm này tổng đàn bò của cả nước đạt 5,55 triệu con, đàn trâu đạt 2,52 triệu con.

3

Thương lái xẻ, phân loại thịt bò bán tại một khu chợ ở huyện Đông Anh (Hà Nội).

“Theo tính toán của chúng tôi, tổng số thịt bò có xương quy đổi mà Việt Nam nhập về năm 2016 là khoảng 45.000 tấn cộng với sản lượng thịt sản xuất ở trong nước khi quy đổi ra thì thấy rằng nguồn cung thịt bò trong nước mới đạt khoảng 78%, còn lại vẫn phải trông đợi vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài” – ông Chinh nhấn mạnh.

Thông tin thêm về giá bò, ông Chinh cho hay: “Tính đến ngày 27.4.2017, giá bò hơi trong nước vẫn đạt từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, bên cạnh đó giá bò giống vẫn cao hơn gấp đôi khoảng 130.000 đồng đến trên 140.000 đồng/kg. Theo chu kỳ càng về các tháng cuối năm giá thịt, đặc biệt là thịt trâu, bò sẽ còn tăng giá cao hơn…”.

4

Nông dân chăn thả trâu ăn cỏ bên đường vào xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

“Trước các thông tin về thị trường, đặc biệt là tin về giá cả, thực phẩm bà con cần hết sức đề cao cảnh giác, nhất là tin đồn về giá trâu, bò trong những ngày qua. Để không bị ảnh hưởng, người chăn nuôi không được bán tống, bán tháo trâu, bò mà mọi người cần bình tĩnh chăm sóc đàn bò cả mặt dinh dưỡng và sức khỏe để vật nuôi không bị dịch bệnh. Bên cạnh đó, bà con phải chịu khó theo dõi báo, đài chính thống để nắm được giá cả tránh bị thương lái ép giá dẫn đến thua lỗ. Đặc biệt, các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở các địa phương cần theo dõi sát thông tin và có định hướng, cảnh báo kịp thời cho nông dân để bà con tránh bị thiệt hại, yên tâm sản xuất” – ông Chinh cảnh báo thêm.

Nguồn: Trần Quang (Dân Việt)