Sống chung với ASF

(Người Chăn Nuôi) – Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì sợ hãi trước Dịch tả heo châu Phi (ASF) thì hãy chấp nhận sống chung với nó và trước tiên hãy tập trung nâng cao an toàn sinh học, bởi đây là giải pháp tốt nhất để ngăn ngặn và khống chế sự lây lan của ASF.

Tốc độ lây lan chậm lại

Sau khi hoành hành tại nhiều nước châu Phi và châu Âu, virus gây ASF đã xuất hiện tại châu Á, cụ thể là tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Hiện, ASF vẫn là căn bệnh lây lan ở heo chưa có thuốc chữa, bởi vậy việc dập dịch, ngăn chặn ổ dịch lan rộng là yêu cầu cấp bách, không để gây thiệt hại to lớn tới ngành chăn nuôi và xuất khẩu thực phẩm.

Cần tăng cường hơn nữa các giải pháp an toàn sinh học
Cần tăng cường hơn nữa các giải pháp an toàn sinh học

Theo Bộ NN&PTNT, đến ngày 2/4/2019, đã có 476 xã của 91 huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố có ASF. Dịch bệnh đã khiến gần 74.000 con heo bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy. Gần hết các tỉnh tại miền Bắc đã có ASF, trừ một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang chưa thông tin có dịch bệnh này.

Như vậy chỉ sau 2 tháng xâm nhập vào Việt Nam (1/2/2019), ASF đã lan rộng trên 23 tỉnh, thành phố của cả nước. Tuy nhiên điều đáng mừng là đã hơn một tuần nay, dịch bệnh này có chiều hướng không lan rộng ra tỉnh khác. Dịch bệnh lắng xuống cùng với sự tuyên truyền mạnh mẽ của cơ quan truyền thông, người dân đã yên tâm tiêu tiêu thụ thịt heo trở lại, giá thịt heo trên thị trường cũng có xu hướng tích cực.

Theo thông tin từ Công ty Anova, ngày 4/4, giá heo hơi tại miền Bắc tăng không đáng kể, bình quân ở mức 38.300 đồng/kg. Nhưng tại thị trường miền Nam và miền Trung tăng mạnh. Cụ thể giá heo hơi bình quân tại các tỉnh miền Trung đang ở mức 39.200 đồng/kg; trong khi đó miền Nam dao động 40.500 – 43.900 đồng/kg.

 

Nỗ lực và sẻ chia

Mặc dù Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) khẳng định, ASF không giống cúm heo, không lây truyền và gây bệnh cho người, nhưng với tỷ lệ tử vong của heo mắc bệnh là 100%, việc bùng phát ASF sẽ gây biến động lớn về nguồn cung và giá cả, gây thiệt hại nặng nề đối với người nông dân, khiến người tiêu dùng hoang mang, tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Nhằm chung tay hỗ trợ người chăn nuôi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/3/2019 đã ban hành văn bản số 1901/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của ASF. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ASF gây ra để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau dịch kết thúc, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh của tổ chức tín dụng trên địa bàn có dịch chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với vốn vay theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố nắm sát diễn biến dịch trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời thống kê dư nợ cho vay chăn nuôi heo, dư nợ bị thiệt hại do ASF gây ra để chủ động có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi heo. Cùng với đó, phối hợp với các Sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi heo theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong một động thái khác, Bộ NN&PTNT cũng đang nỗ lực nghiên cứu và tìm hướng sản xuất vaccine ASF. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dù rất khó, nhưng Việt Nam sẽ không “ngồi im” và chỉ đạo hệ thống, phối hợp với các bộ ngành, đơn vị khoa học để nghiên cứu, tiến tới sản xuất vaccine, giúp ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững.

 

Nâng cao an toàn sinh học

Theo TS. Kiều Minh Lực, Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam, việc thanh toán ASF không thể trong ngày một ngày hai và ngành chăn nuôi heo không thể không tiếp tục phát triển. Do đó, đã đến lúc phải tính ngay tới việc sống chung với ASF. Trước hết phải duy trì được đàn heo giống âm tính với ASF. Bởi nếu không có đàn giống âm tính với ASF, thì sẽ không thể nào thanh toán được ASF trong tương lai. Bên cạnh đó là tăng cường hơn nữa các giải pháp an toàn sinh học và thực hiện một cách tuyệt đối trong chăn nuôi heo ở các trang trại, nông hộ. Bởi an toàn sinh học không chỉ góp phần quan trọng bảo vệ đàn heo thương phẩm trước dịch bệnh mà còn giúp cho việc duy trì đàn giống âm tính với ASF.

Ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp, Trung tâm Phòng chống và Khẩn cấp kiểm soát Dịch bệnh động vật lây truyền Xuyên biên giới (ECTAD), FAO Việt Nam cho rằng, người chăn nuôi heo cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt, để ngăn chặn sự thâm nhập của bệnh ASF

Đồng quan điểm, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, an toàn sinh học nghiêm ngặt trong khu chăn nuôi heo là rất quan trọng để ngăn chặn sự thâm nhập của ASF. Về quy trình chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, bà con cần chọn giống là những con của cặp bố mẹ có năng suất cao, có nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng đầy đủ. Thứ 2 về thức ăn phải đủ hàm lượng dinh dưỡng và được kiểm soát đảm bảo không bị nấm mốc, ôi thiu; nước uống cho đàn heo phải sạch sẽ. Bên cạnh đó, đàn heo cần được tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Kinh nghiệm bùng phát ASF tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay cho thấy, đa phần dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, từ đó cho thấy an toàn sinh học và vệ sinh thú y đối với chăn nuôi nhỏ lẻ tại Việt Nam hiện còn rất thấp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Sớm xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học

TT Bộ NN Phùng Đức TiếnChăn nuôi nông hộ đã và đang vẫn đóng một vài trò lịch sử nhất định với ngành chăn nuôi Việt Nam, chưa thể bỏ ngay trong ngày một ngày hai được nên trong Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội thông qua, dự kiến chính thức có hiệu lực đầu năm 2020 đã quy định rất rõ các điều kiện, quy định về thú y, an toàn thực phẩm đối với chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Do đó, trên cơ sở Luật Chăn nuôi, các tài liệu khuyến cáo của OIE và FAO, đặc biệt là kinh nghiệm phòng chống ASF của các Bộ, ban, ngành, địa phương từ đầu năm đến nay, Bộ NN&PTNT sẽ giao Cục Thú y và Cục Chăn nuôi sớm xây dựng những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đối với nhóm chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ trên tinh thần “sống chung với dịch” trong lúc chờ nghiên cứu sản xuất thương mại thành công vaccine ASF.

 

Nguồn: Báo Người chăn nuôi(http://nguoichannuoi.vn/song-chung-voi-asf-nd4302.html)