Một trong số những nguyên nhân chính khiến heo nái bị loại thải trước thời hạn là do heo nái bị què. Hàng năm mỗi trang trại nái thiệt hại một khoản tiền không hề nhỏ do những thiệt hại từ việc heo nái bị què mang lại từ chi phí thuốc thang, ăn uống, chuồng trại…chưa kể việc heo nái loại đó chưa đi vào sản xuất hoặc sản xuất nhưng chưa hoàn lại vốn.
Hiểu được các nguyên nhân tiềm tàng gây què cho heo nái là cơ sở vững chắc nhất giúp người nuôi heo nái phòng bệnh từ xa cũng như điều trị kịp thời khi heo bị bệnh từ đó giúp giảm thiểu tối đa những thiệt hại không đáng có và cải thiện năng suất chăn nuôi.
Nguyên nhân dẫn đến heo nái bị què có thể là do bệnh truyền nhiễm, bệnh không truyền nhiễm, do môi trường, khâu quản lý, dinh dưỡng và các yếu tố di truyền.
Trong đó, các nguyên nhân không truyền nhiễm thì phổ biến hơn các nguyên nhân do bệnh truyền nhiễm. Bởi vậy trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ tập trung nói đến các nguyên nhân gây què không lây nhiễm như do chấn thương ngoại khoa hay do hội chứng yếu chân osteochondrosis.
Què do các chấn thương ngoại khoa trong quá trình chăn nuôi heo nái.
Các chấn thương ngoại khoa bao gồm như tổn thương chân, tổn thương móng, tổn thương cơ, tổn thương gân, gãy xương.
Tổn thương chân.
Các trường hợp gây què khi chân tổn thương bao gồm: vết thương, vết sưng, vết chai, sưng khớp chân và viêm bao hoạt dịch. Nếu chỉ bản thân những vết thương này thì sẽ không thể làm heo nái bị què trừ một số trường hợp chấn thương quá nặng nhưng nhiều trường hợp, khi heo nái bị tổn thương trên chân → heo sẽ ít đi lại di chuyển hơn và chỉ nằm 1 chỗ → chân tiếp xúc nhiều với sàn làm cho các tổn thương đó càng nghiêm trọng và dẫn đến què.
Tổn thương móng.
Tổn thương móng là một trong số những chấn thương gặp nhiều nhất trong quá trình chăn nuôi heonái, đa phần heo nái nào cũng bị tổn thương ít nhất là 1 móng. Các tổn thương móng thường thấy bao gồm như nứt móng, móng quá dài, sưng móng, gót chân phát triển quá mức, gót chân bị mòn, xước, gót chân bị tách riêng nhau ra, móng vuốt bị cắt quá cụt.
Không phải cứ tổn thương móng là heo sẽ bị què mà phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Những tổn thương không sâu tới “mảng đệm” nằm giữa móng và gót chân (nơi tập trung nhiều dây thần kinh) thì sẽ không gây đau, gây què cho heo nái và ngược lại.
Tổn thương cơ, dây chằng và xương.
Các chấn thương ảnh hưởng và gây đau cho cơ, dây chằng và xương cũng có thể gây què trên heo nái.
Què do hội chứng yếu chân (osteochondrosis) trong quá trình chăn nuôi heo nái.
Osteochondrosis là nguyên nhân dẫn đến heo nái bị yếu chân. Đa phần những heo bị hội chứng yếu chân (Osteochondrosis) đều bị què và phải loại thải sớm, tuy nhiên không phải hoàn toàn trường hợp nào cũng thế.
Heo mắc hội chứng Osteochondrosis thường có sụn và xương rất mềm. Đây cũng là hội chứng cực kỳ khó phát hiện trong kỹ thuật nuôi heo nái vì nhìn bền ngoài heo nái không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào.
Què do ảnh hưởng của môi trường chăn nuôi heo nái.
Thiết kế sàn nuôi.
Sàn chuồng nái nếu được thiết kế đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật chăn nuôi heo nái (độ rắn chắc, độ trơn nhám, độ dốc, chất liệu, dễ vệ sinh sạch sẽ) sẽ giảm được một lượng lớn heo nái bị què và ngược lại. Ví dụ như sàn bê tông nếu quá trơn sẽ làm heo nái dễ trượt ngã nhưng nếu quá nhám sẽ dễ gây tổn thương lên da, chân, móng của heo làm heo bị què.
Quy mô đàn và mật độ nuôi.
Theo các nghiên cứu trước đây cho thấy heo nái được nuôi trong những đàn quy mô lớn thường bị què nhiều hơn và ngược lại.
Hệ thống chuồng trại và cách bố trí chuồng nuôi.
Chăn nuôi heo nái ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, thường mỗi heo nái sẽ được nuôi trong một ô chuồng nhỏ vừa cơ thể nên tỷ lệ què quặt sẽ ít hơn ở các nước châu Âu – nơi mà vì phải đảm bảo quyền lợi động vật nên các heo nái được nuôi nhốt chung trong một khu vực chuồng từ khi có bầu 4 tuần cho đến trước khi đẻ 1 tuần. Điều này vô hình chung làm gia tăng sự xung đột giữa các con nái đồng thời đẩy số lượng heo nái què lên cao hơn bình thường.
Chế độ dinh dưỡng.
Heo bị tổn thương móng vuốt và què có thể do ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng đặc biệt là thành phần dinh dưỡng, lượng thức ăn và quản lý dinh dưỡng.
Dinh dưỡng là một trong những kỹ thuật nuôi heo nái rất quan trọng. Dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp lên móng vuốt, xương và sinh lý học của sụn cũng như có thể gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của heo thông qua việc tăng cân.
Heo nái hậu bị là đối tượng đặc biệt hay bị què nhiều nhất. Điều này giống như là minh chứng cho chế dộ dinh dưỡng không đầy đủ trong quá trình phát triển của chúng.
Trong thực tế người ta không quan tâm nhiều đến việc phòng chống què chân trong chế độ ăn của chúng. Nhiều trang trại nuôi heo nái thậm chí còn cho heo hậu bị ăn theo chế độ ăn của heo bầu hoặc heo thịt – một chế độ ăn với mục tiêu tạo nạc là chính, trong khi heo hậu bị cần một chế độ ăn giúp chúng phát triển xương khớp và hệ sinh sản.
Nguồn: Viet DVM