Bệnh sót nhau là trường hợp thường xuyên gặp ở lợn nái khi sinh. Nói cụ thể một cách dễ hiểu, khi lợn con được sinh ra hết từ 10-60 phút thì nhau thai sẽ được đẩy ra ngoài. Trong thời gian này nếu như không kịp thời đẩy hết nhau ra ngoài thì lợn nái sẽ gặp tình trạng “sót nhau”.
Nguyên nhân bị sót nhau
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng heo sau khi để bị sót nhau đến từ một số nguyên nhân sau đây:
– Heo nái lớn tuổi, đẻ nhiều lứa hoặc đẻ quá nhiều con trong 1 lứa sẽ khiến tử cung co bóp kém, khó đẩy con và nhau thai ra bên ngoài. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu khi heo bị sót nhau. Nhưng cũng có thể đến gián tiếp từ chế độ dinh dưỡng kém, khẩu phần ăn thiếu khoáng chất, heo nái ít vận động, heo quá mập hoặc quá gầy.
– Tình trạng viêm nhiễm tử cung cũng dẫn đến tình trạng sót nhau do dịch viêm làm nhau dính vào tử cung không thể đẩy ra ngoài.
– Trong quá trình đỡ đẻ cho heo nái mà chúng ta thao tác sai kỹ thuật, nhau chưa ra hết đã kéo đứt, khiến cho nhau thai bị sót lại.
Biểu hiện của heo nái
Biểu hiện của heo nái sót nhau: Nái bứt rứt không yên, rặn nhiều, có thể không cho heo con bú sữa. Mép âm hộ có dịch màu hồng chảy ra. Heo nái mệt mỏi, ăn uống kém, sốt cao 41-42oC, cơ thể ửng đỏ, khó thở, vú căng cứng. Giai đoạn sau dịch viêm chảy ra nhiều, có màu đen lẫn máu, mùi tanh hôi lẫn các bánh nhau bị phân hủy.
Cách phát hiện heo nái bị sót nhau:
– Sót nhau hoàn toàn: quan sát kỹ sẽ thấy 1 màng mỏng còn nằm trong âm đạo hay treo lòng thòng ở mép âm môn.
– Sót nhau không hoàn toàn: nhìn thấy 1 ít nhung mao trên mặt màng nhung của lợn mẹ.
– Sót nhau từng phần: Trải toàn bộ phần nhau thai đã ra ngoài → quan sát: thấy được những chỗ màng thai bị đứt → suy ra phần màng thai còn lại nằm trong tử cung.
Xử lý heo nái bị sót nhau
Chăn nuôi heo nái theo đúng kỹ thuật. Đáp ứng tốt nhu cầu dinh dưỡng của heo, bổ sung khoáng chất và canxi vào khẩu phần ăn. Chuồng trại đảm bảo cho lợn có không gian vận động tốt.
Kịp thời phát hiện sót nhau để có biên pháp khắc phục, để lâu nhau sẽ thối, khiến heo sốt cao, mất sữa, heo con sẽ chết.
Tiêm thuốc OXYTOCIN INJ cho heo để kích thích co bóp tử cung đẩy nhau ra hết.
Sau khi nhau ra, dùng thuốc tím nồng độ 0,1% hoặc nước muối 0,9% để rửa tử cung trong ba ngày liên tục.
Phòng tránh trường hợp sót nhau
– Chăm sóc nái mang thai tốt, đặc biệt là thời kỳ chửa cuối (84-114 ngày), với khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng (protein, khoáng chất, vitamin)
– Kịp thời điều trị các chứng bệnh có liên quan đến giảm trương lực cơ trơn co bóp tử cung, tổn thương vùng chậu, đau chân, bệnh đẻ khó
– Đối với các trang trại có quy mô lớn và trung bình cần quan tâm kỹ đến cơ cấu đàn: nên loại bỏ sớm các nái già sức khỏe yếu (>9 lứa)
– Quan tâm kỹ hơn đến khâu đỡ đẻ: vệ sinh sạch sẽ heo nái trước, trong và sau khi đẻ
– Đối với nái già >6 lứa, sau khi đẻ được khoảng 8-10 con mà sức rặn yếu thì chúng ta nên bổ sung thêm 2ml oxytocine/nái để kích thích co bóp tử cung
– Đối với nái đẻ bình thường, bà con nên cho nái đẻ tự nhiên, không vội vàng can thiệp (dùng tay lôi, kéo khi heo con chưa đứt dây rốn), có thể dùng kéo cắt đứt dây rốn trong trường hợp dây rốn dài và nhiều thai ra cùng lúc
– Để nhau thai ra tự nhiên, bà con không dùng tay lôi, kéo khi thấy nhau thai vừa mới nhú ra mép âm hộ phòng nhau thai bị đứt và sót trong tử cung
– Nếu can thiệp heo nái đẻ khó bằng cách móc, bà con nên cắt ngắn móng tay, vệ sinh sạch sẽ bằng xà bông, xịt cồn 70o, thoa đều gel bôi trơn, chụm 5 đầu ngón tay trước khi đưa vào tử cung, kéo thai ra theo nhịp rặn của heo nái tránh nái bị mất quá nhiều sức, không còn sức để đẩy nhau ra ngoài
Phía trên là tất cả những điều về bệnh sót nhau thai trên heo nái mà Mebipha muốn cung cấp đến bà con chăn nuôi. Mong những chia sẻ này sẽ giúp ích cho bà con chăn nuôi bảo vệ đàn heo tốt hơn, xử lý kịp thời tình trạng sót nhau thai. Chúc bà con chăn nuôi đạt được nhiều thành công trong chăn nuôi.
Tham khảo thêm tại www.mebipha.com và hotline 0948 810 808.
Bộ phận nghiên cứu phát triển.
Công ty TNHH SX TM Mebipha.