(Chinhphu.vn) – Các sản phẩm tôm của Việt Nam đang có những tăng trưởng ấn tượng trong xuất khẩu. Không chỉ xuất khẩu tôm thành phẩm, Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu tôm giống.
2,5 triệu con tôm giống Mebi One đã được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc
Nhiều bước tiến trong xuất khẩu tôm
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 8/2024, hầu hết các sản phẩm thủy sản xuất khẩu (XK) chính của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt trong top 5 sản phẩm có tăng trưởng đột phá nhất ghi nhận số lượng xuất tôm hùm tăng gấp 30 lần cũng kỳ năm ngoái.
Tính riêng các sản phẩm tôm, lũy kế 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 con số ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Trung Quốc, EU.
Tồn kho giảm bớt, nhu cầu nhập hàng phục vụ các dịp lễ cuối năm khiến cho các thị trường tăng cường nhập khẩu tôm. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất trên thế giới cũng như Việt Nam có xu hướng tăng, tác động tích cực lên giá tôm xuất khẩu.
Tuy nhiên theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết xuất khẩu tôm thương phẩm cũng tiếp tục gặp nhiều bất lợi, thách thức bởi tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính, rào cản kỹ thuật đối với tôm nhập khẩu, cạnh tranh giá với Ấn Độ, Ecuador, giá cước vận tải biển tăng, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, giá thành sản xuất tôm cao và nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu…
Ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh, mặc dù ngành tôm đang có sự tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm 2024, song điều này chưa phản ánh đúng thực tế khó khăn cùng lúc tại tất cả thị trường chính như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Trước bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm những hướng đi mới trong phát triển ngành tôm, thay vì sản xuất tôm thương phẩm, doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ để có thể sản xuất tôm giống xuất khẩu.
Điển hình tại tỉnh Quảng Nam, hiện tỉnh có hơn 2.000 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, cần hơn 3 tỷ con giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất mỗi năm. Nhu cầu lớn nên Quảng Nam đã xây dựng, đưa vào hoạt động Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản. Bên cạnh đó, địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp doanh nghiệp đầu tư, sản xuất tôm giống.
Ngày 23/9, Công ty Cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng Quảng Nam đã tổ chức lễ bàn giao lô hàng 2,5 triệu con tôm giống Mebi One cho đối tác YONG SING SEAFOODS CO.,LTD xuất khẩu sang thị trường Đài Loan,Trung Quốc.
2,5 triệu con tôm giống Mebi One đã được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc đánh dấu bước tiến vượt bậc trong ngành sản xuất tôm giống của Việt Nam.
Sau hơn 1 năm đối chứng thực tế tại các trại nuôi tôm ở Đài Loan, Trung Quốc tôm giống của Việt Nam đã đạt những tiêu chí phát triển và kỳ vọng của các chủ trại nuôi. Trên cơ sở đó, Công ty CP Kim Hoàng Quảng Nam và đối tác đã đạt được thỏa thuận và chính thức ký kết hợp tác thương mại đưa tôm giống Mebi One phát triển tại thị trường Đài Loan, Trung Quốc.
Trong đơn hàng đầu tiên, 2,5 triệu con tôm giống “made in Việt Nam” trị giá 11.000 USD sẽ được đặt chân đến thị trường Đài Loan, Trung Quốc và các năm tiếp theo, giá trị xuất khẩu tôm giống của doanh nghiệp sang thị trường này có thể đạt 300.000 USD.
Còn nhiều rào cản phát triển ngành tôm
Tôm là sản phẩm hàng đầu trong xuất khẩu thủy sản và có lực lượng doanh nghiệp lâu năm kinh nghiệm trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên để sản xuất và xuất khẩu bền vững được ngành hàng tôm cũng đòi hỏi cần tháo gỡ được nhiều rào cản trong phát triển tôm Việt Nam hiện nay.
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, là đơn vị xuất khẩu hàng đầu trong ngành thủy sản hiện nay đã chỉ ra nhiều thách thức của ngành tôm Việt Nam
Năm 2023, sản lượng tôm Việt Nam giảm mạnh 32%, trong khi Ecuador tăng 14%, Ấn Độ tăng 2%, Thái Lan giảm 9%, Indonesia giảm 12%. Giá bán tôm thương phẩm giảm sâu do suy thoái kinh tế và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Ông Quang nhìn nhận sản xuất tôm còn bất cập ở 5 thách thức chính của ngành tôm cũng như nông nghiệp là chính sách quy hoạch và quản lý về giống; phương pháp nuôi trồng; hệ thống kênh cấp và thoát nước; vật tư nông nghiệp sinh học; các khu công nghiệp chế biến tôm và các khu công nghiệp nuôi tôm chuyên nghiệp, các trung tâm thương mại, logistics và phân phối sản phẩm nông nghiệp.
Kiến nghị, đề xuất nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm đến phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả
Ông Lê Văn Quang cho rằng cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao (số lượng) cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả (chất lượng, môi trường, sức khoẻ và giá bán). Một số đề xuất chính được ông Quang nêu trong Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước (21/9) :
Bộ NN&PTNT nghiên cứu đề xuất sửa đổi về quy định đối với việc sản xuất tôm giống; cho phép các doanh nuôi tôm lớn gia hóa chọn giống theo hướng chọn lọc tự nhiên để có được tôm giống kháng bệnh, thích nghi với thời tiết, khí hậu và môi trường của từng vùng nuôi.
Nuôi trồng cây, con theo Công nghệ sinh học vừa sức tải của môi trường, thân thiện với môi trường và giảm thải carbon.
Cần có hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng và phát triển các phân bón, thức ăn sinh học, chế phẩm sinh học cho vật nuôi, cây trồng. Thực hiện ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn biến các chất thải, các phế liệu, các phế phẩm của ngành nông nghiệp thành các sản phẩm có giá trị và quay lại phục vụ ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đô thị; các khu công nghiệp nuôi trồng chuyên nghiệp nhất là đầu tư các khu phức hợp bao gồm công nghiệp chế biến, gắn với công nghiệp nuôi trồng và khu dân cư đô thị tiện ích, các trung tâm thương mại, logistics và phân phối sản phẩm nông nghiệp.