Heo mảnh không có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng nhận diện có thể sẽ không được vận chuyển đưa vào TP.HCM.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết đến nay đã có 821 siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM và các tỉnh bán thịt heo có truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, hai chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và 146 gian hàng kinh doanh thịt thuộc hệ thống Vissan ở 23 chợ truyền thống đã bán thịt heo truy xuất nguồn gốc. Theo đó, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc miếng thịt heo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công Thương TP.HCM, tại hệ thống bán lẻ truyền thống việc truy xuất nguồn gốc thịt heo gặp khó khăn.
Nguyên nhân do số lượng đối tượng tham gia chăn nuôi, thu mua, giết mổ phân phối đa số là hộ gia đình. Tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ hoặc thương lái không có đăng ký kinh doanh và mua bán tự phát, không tích cực tham gia thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, công tác phối hợp với các địa phương còn khó khăn, một số tỉnh, thành chưa tích cực phối hợp triển khai. Dẫn đến tình trạng thông tin từ khâu chăn nuôi giết mổ vận chuyển về TP không được kết nối. Điều này dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc bị gián đoạn gây hiểu lầm là việc truy xuất nguồn gốc chỉ mang tính hình thức, lãng phí không hiệu quả.
Từ đó, Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị TP thống nhất với các tỉnh áp dụng đồng bộ quy định đối với heo đưa vào TP. Theo đó, tại cơ sở giết mổ, cơ quan thú y kiên quyết không cho xuất heo mảnh không có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng nhận diện, vòng niêm xe để đưa vào TP.
Tại hai chợ đầu mối, cơ quan thú y, Ban An toàn thực phẩm và ban quản lý chợ kiên quyết không cho nhập heo mảnh vào chợ để kinh doanh nếu các mảnh heo không có thông tin truy xuất nguồn gốc…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, kiến nghị thời gian tới, TP phối hợp với các tỉnh tập trung rà soát, vận động có trọng điểm các hộ chăn nuôi tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc chứ không tràn lan. Bởi ở các tỉnh đều có các cơ sở chăn nuôi đạt VietGAP nằm trong các dự án như Lipsaf thì tập trung những hộ này, chính hộ này bảo đảm nguồn heo có chất lượng nhất.
“Có giới hạn đối tượng lại như vậy thì tức khắc thương lái sẽ tìm đến trang trại này để mua những nguồn heo đạt chuẩn, mới đủ điều kiện đưa vào TP” – ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Hòa, khi làm được vậy sẽ đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất là những con heo đưa vào TP thật sự là heo từ trang trại đạt chuẩn VietGAP. Thứ hai là tạo thế chủ động cho các trang trại, thúc đẩy sự thay đổi trong quá trình chăn nuôi. Cụ thể, những hộ nào muốn đưa heo vào TP tiêu thụ thì nhanh chóng tái cơ cấu lại, chăn nuôi theo chuẩn VietGAP.
Nguồn: Tú Uyên – Pháp luật TPHCM