(Người Chăn Nuôi) – Việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) đã đem đến cho người chăn nuôi nhiều lợi ích rõ rệt, cũng gắn với nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, đưa nền chăn nuôi Việt Nam gần hơn với thế giới.
Thành công
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hướng dẫn nông dân thực hiện chăn nuôi ATSH trong thời gian qua tại nhiều địa phương trên cả nước và triển khai tương đối tốt, đặc biệt là những chương trình khuyến nông đào tạo huấn luyện. Trung tâm thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn, đặc biệt là áp dụng yêu cầu đối với những cơ sở chăn nuôi ATSH cũng như các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi ATSH áp dụng cho cả heo và gia cầm. Thực tế trong thời gian triển khai, với việc áp dụng những yêu cầu về chăn nuôi ATSH đã làm tỷ lệ dịch bệnh giảm nhiều. Thông qua chăn nuôi ATSH, người chăn nuôi đã có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường cũng như xử lý sau chăn nuôi cũng được triển khai rất mạnh mẽ. Ngoài ra các cơ sở áp dụng tất cả những biện pháp từ cách ly, khử trùng, những biện pháp được áp dụng trong chăn nuôi ATSH làm cho môi trường chăn nuôi ở từng cơ sở được sạch sẽ, giúp người nuôi có thói quen thực hiện tốt những điều kiện về vệ sinh chăn nuôi, yêu cầu vệ sinh ATSH trong chăn nuôi. Khi dịch bệnh trên đàn vật nuôi giảm, hạn chế sử dụng kháng sinh… giúp tăng thu nhập cho người nuôi, sức khỏe đàn vật nuôi được đảm bảo.
Trung tâm cũng phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc về chăn nuôi ATSH trên đối tượng vật nuôi là gà, vịt. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ATSH ở những cơ sở ấp nở, đây là biện pháp rất tốt để tạo con giống chất lượng, sạch bệnh, trước khi đưa đến người chăn nuôi, những con giống này cũng được tiêm phòng đầy đủ.
Trung tâm cũng hướng dẫn người chăn nuôi những biện pháp rất đơn giản như cùng vào cùng ra, cách ly đàn gia súc gia cầm mới nhập, đàn gia cầm ốm, biện pháp làm sạch như làm sạch cơ giới (giảm 70% bệnh trong môi trường) hướng dẫn người nuôi tiêu độc khử trùng, trong đó sử dụng thuốc sát trùng có khổ rộng để tiêu diệt nhiều loại mầm bệnh. Ngoài việc thực hiện theo yêu cầu của cơ quan thú y, người nuôi cũng chủ động sử dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng định kỳ để giảm mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi.
Trung tâm còn truyền thông về các biện pháp chăn nuôi ATSH thông qua những chương trình khuyến nông @ về chăn nuôi ATSH trên đàn heo, gia súc, gia cầm… Với những cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt ATSH, ngoài việc giảm chi phí đầu vào, còn tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch hơn, an toàn hơn tới người tiêu dùng, tạo thói quen chăn nuôi cẩn thận, tránh tồn dư mầm bệnh, đặc biệt trên heo và gia cầm tại nông hộ. Đặc biệt thời gian qua, Trung tâm đã chủ trì dự án xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đã triển khai tại 7 tỉnh trên cả nước, thực hiện trên heo và gia cầm, đồng thời đã hỗ trợ bà con thực hiện các yêu cầu về tiêu độc khử trùng, lấy mẫu kiểm tra để đăng ký là cơ sở an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện cho các trang trại lớn hướng tới xuất khẩu.
Ngoài gia cầm, heo, Trung tâm còn thực hiện chương trình dự án về nuôi ong, cải tạo đàn bò, những chương trình dự án liên quan đến cải tạo heo tại các địa phương, thông qua các chương trình này, nội dung lồng ghép liên quan đến chăn nuôi ATSH cũng được kết hợp.
Phổ biến rộng
Chăn nuôi ATSH cũng bao gồm việc hạn chế sử dụng kháng sinh. Khi đàn gia súc, gia cầm giảm dịch bệnh do đã được chăm sóc theo phương pháp chăn nuôi ATSH, người nuôi không cần sử dụng kháng sinh.
Để thực hiện đồng bộ, cần thông tin tuyên truyền từ trung ương đến địa phương, mục đích giúp người nuôi hiểu chăn nuôi ATSH sẽ giúp sản phẩm an toàn cho cộng đồng, cho bản thân họ. Cần xây dựng mô hình điểm để người dân tự áp dụng ở những mô hình của mình khi thấy phù hợp. Tăng cường đào tạo huấn luyện cho cán bộ khuyến nông các cấp, để phối hợp đồng bộ trong hoạt động này. Cán bộ khuyến nông cũng giúp người nuôi hiểu rằng việc áp dụng chăn nuôi ATSH sẽ mất thời gian, công sức, ghi chép, truy xuất nguồn gốc so với chăn nuôi tự do, tuy nhiên việc này không tốn kém, quan trọng là cần thay đổi thói quen chăn nuôi.
Với chăn nuôi nhỏ lẻ, cũng nên tạo liên kết sản xuất để người chăn nuôi tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, được thị trường chấp nhận.
Theo báo điện tử http://nguoichannuoi.com/