Nỗi bất an thực phẩm sạch luôn ám ảnh mỗi người dân, cho dù các bộ ban ngành cùng vào cuộc để giải quyết vấn đề này nhưng việc thực hiện vẫn chưa hết nóng. xem ra, mong muốn có được thực phẩm sạch tiêu dùng vẫn chỉ là “giấc mơ dài”…
“Kẻ ngoài, người trong”
Trước vấn đề nguy hại của thực phẩm bẩn, cả nước cùng chung tay góp sức nhằm ngăn chặn vấn nạn này. Trong các phiên họp Quốc hội, vấn đề ATVS thực phẩm cũng được đưa ra bàn bạc, chất vấn. Điều này thể hiện sự quan trọng và cấp bách của vấn đề này và quyết tâm của cơ quan đầu não trong việc giải quyết những bất cập.
TP Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong thực hiện vấn đề này. Thành phố đã thí điểm thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo. Mục đích đưa ra rất thiết thực cho người chăn nuôi, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm heo. Đề án được triển khai từ tháng 12/2016, đến nay, qua 10 tháng thực hiện, Đề án vẫn chưa thực hiện được lộ trình theo kế hoạch đề ra. Lý giải điều này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố phụ thuộc vào nguồn thịt vận chuyển từ các địa phương khác về đến 85% nên rất khó quản lý, cần có sự phối hợp chặt với các tỉnh. Ngay ngày đầu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc thì cả heo có đeo vòng hay không đeo vòng đều được nhập chợ. Ban quản lý các chợ đã lập biên bản ghi nhận sự việc và người vi phạm, báo cáo lãnh đạo thành phố có biện pháp giải quyết. Điển hình tại chợ đầu mối Bình Điền, 100% thịt heo vào chợ không đeo vòng truy xuất nguồn gốc.
Đồng Nai là địa phương bắt tay thực hiện cam kết truy xuất cùng với TP Hồ Chí Minh, từ khi bắt tay cam kết truy xuất, tại tỉnh này, nhiều trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi tại Đồng Nai cho biết đã sẵn sàng nhưng không ít hộ chăn nuôi dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Thực tế tình trạng này diễn ra là bởi nhiều hộ dân đang thực hiện chăn nuôi theo VietGAP vẫn tiếp tục chăn nuôi như vậy, nhưng với những hộ nuôi chăn thả tự do, việc chăn nuôi theo VietGAP chưa tạo được sự thu hút, hiệu quả, nên các hộ chưa tham gia nhiều. Lý do khiến họ chưa mặn mà tham gia vì giá bán sản phẩm VietGAP và sản phẩm thông thường không minh bạch, thương lái vẫn trà trộn 2 loại sản phẩm, khiến giá sản phẩm chất lượng cũng chỉ bằng giá sản phẩm thông thường…
“Điều trị” từ “gốc”
Dù biết rằng, để có được thực phẩm “sạch”, vấn đề quan trọng hàng đầu là nguyên liệu dùng cho nuôi trồng phải “sạch”. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, hiện nay chưa thể kiểm soát hết các chất cấm, chất độc hại được dùng trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Ngăn chặn được điều này vô cùng khó, bởi lẽ chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh. Mặc dù kết quả thanh tra, kiểm tra mới đây cho thấy, đã có những khả quan hơn trong kiểm soát một số chất cấm trong chăn nuôi, nhưng kết quả đó dường như còn khiêm tốn. Mối lo này vẫn đang hiện diện trong từng bữa ăn của các gia đình, vẫn tiếp tục gia tăng và báo động đỏ khi số người tử vong vì ung thư vẫn tăng, mà trong đó có nguyên nhân của việc sử dụng thực phẩm bẩn.
Người tiêu dùng dù trở nên thông thái khi trang bị kiến thức tiêu dùng sản phẩm sạch, nhưng thị trường hiếm hoi thực phẩm sạch, chưa kể tình trạng gian lận trong thu mua, tiêu thụ, người nuôi ham lợi mà sử dụng chất cấm, thả nổi chất lượng sản phẩm chăn nuôi thì “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”.
Để kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cần xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi tới giết mổ, sơ chế, đóng gói và phân phối. Sản phẩm phải được sản xuất theo chuỗi, có đóng gói, dán nhãn mác, ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, thông tin chất lượng. Chú ý đến 3 lĩnh vực là tạo con giống mới, dùng chế phẩm sinh học thay chất tạo nạc và chế độ dinh dưỡng…
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, trong 8 tháng đầu năm nay, liên tục không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 3.588 mẫu nước tiểu, 707 mẫu thịt được lấy tại các cơ sở giết mổ. Tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép cũng có chiều hướng giảm, với 0,65% (12/1.847 mẫu), so với năm ngoái là 1,07% (30/2.788 mẫu). |
_Nguồn: Người chăn nuôi_