Mùa đông nhiệt độ xuống thấp, kết hợp với độ ẩm không khí cao làm cơ thể trâu, bò tốn nhiều năng lượng để chống lạnh, sức đề kháng giảm; tạo cơ hội cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập. Do vậy, bà con chăn nuôi cần có những biện pháp để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi, phòng tránh dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong mùa đông, đồng thời bảo đảm phát triển chăn nuôi. Trong bài viết dưới đây, Mebipha sẽ lưu ý cho bà con thực hiện một số biện pháp sau:
Chuẩn bị trước khi vào mùa đông
Bà con chăn nuôi trâu, bò cần thực hiện các công tác chuẩn bị trước khi mùa đông đến sau đây: chuồng trại, thức ăn, chăm sóc, dinh dưỡng và biện pháp phòng tránh bệnh dịch cho gia súc.
Về chuồng trại
Chuồng trại trước khi vào đông cần kiểm tra lại nền chuồng, mái che, tường bao quanh, đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo trong mùa đông. Diện tích nuôi nhốt phải đủ nuôi nhốt trâu, bò. Phần mái che chuồng phải che được mưa, đủ ấm, không bị gió lùa và mưa hắt vào làm ẩm chuồng. Thường xuyên thay chất độn chuồng và hạn chế rửa chuồng. Sử dụng rơm rạ, cỏ khô lót chuồng cho đàn trâu bò trong mùa đông sẽ làm giảm đáng kể việc ảnh hưởng của thời tiết lạnh. Dự phòng bạt, phên nứa… để khi nhiệt độ xuống mức rét đậm, rét hại dùng để quây xung quanh chuồng nuôi. Chuồng trại phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, bởi mùa rét, nhiệt độ lạnh quá dễ gây nên một số bệnh truyền nhiễm ở trâu, bò như: Lở mồm long móng, tai xanh, bệnh viêm khớp, bệnh cước chân….
Bà con cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu bò đạt hiệu quả cao. Tốt nhất những ngày gió rét dưới 150C thì nên giữ gia súc ở tại chuồng, không nên cho đi chăn thả.
Về chăm sóc, nuôi dưỡng
Chuẩn bị thức ăn dự trữ rất quan trọng vì chỉ khi cung cấp thức ăn đầy đủ trâu bò mới có đủ năng lượng chống lại giá rét. Đối với thức ăn thô xanh cần trồng cỏ, gieo ngô dày, trồng cây thức ăn trên diện tích đất không sử dụng để cung cấp thức ăn thô xanh cho gia súc trong những tháng mưa rét cuối năm. Áp dụng các biện pháp dự trữ, tận thu thức ăn trong mùa đông như rơm rạ, ngọn lá mía, các loại bã sắn, bã dứa, cây chuối rừng trộn cám, muối (2 – 3% muối) cho trâu bò ăn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chế biến như: ủ chua thức ăn, ủ rơm với urê,… Bắt đầu vào tháng 11, người chăn nuôi cần chuẩn bị sẵn thức ăn dự phòng cho trâu bò để sử dụng trong 4 tháng tiếp theo. Với một trâu, bò trưởng thành (có khối lượng khoảng 3 tạ), cần chuẩn bị trung bình 2,5 tạ thức ăn tinh (ngô, bột cám, bột sắn..) và 4 tạ thức ăn thô (rơm, cỏ voi, cây chuối, cây sắn, thức ăn ủ chua…), tối thiểu bảo đảm bổ sung 1 – 2 kg cám hỗn hợp/1 trâu, bò trong những ngày giá rét. Nếu có điều kiện, cần bổ sung vitamin và các chất khoáng bổ trợ để để tăng cường sức khoẻ và khả năng chống đỡ bệnh cho gia súc.
Chuẩn bị sẵn các loại thuốc, vitamin.. để trâu, bò bổ sung dinh dưỡng; chuẩn bị dụng cụ đốt như đèn pin, dụng cụ sưởi; chuẩn bị các loại dụng cụ làm sạch nước, phòng khi mùa mưa, lũ xảy ra không có nước sạch… để khi mùa rét xảy ra không ở thế bị động.
Đặc biệt, với những hộ có tổng đàn lớn, thì nên bán bớt để giảm mật độ nuôi, tập trung tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng những con còn để lại trong đàn; hoặc gia cố chuồng trại cho khô và kín gió, thoát nước…
Vệ sinh thú y và tiêm phòng
Đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ giúp hạn chế mầm bệnh cho trâu bò, đặc biệt khi tiêm phòng tốt cũng giúp trâu bò tránh một số bệnh xảy ra khi thời tiết thay đổi.
– Cần thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại, định kỳ phun thuốc khử trùng 2 – 3 tuần/lần để vệ sinh tiêu độc khử trùng. Khi sử dụng bà con chú ý tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
– Thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng đầy đủ các bệnh: lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng. Tiêm phòng bổ sung cho trâu, bò khi đến tuổi tiêm phòng và số trâu, bò bị tiêm sót trong các đợt tiêm phòng định kỳ.
Với bê, nghé thì tăng cường các biện pháp nuôi dưỡng. Với những con trưởng thành thì cần tăng cường kiểm tra bộ móng, không để trâu, bò bị ẩm, lạnh bộ móng dễ gây ra các bệnh. Đặc biệt, trước mùa rét phải tẩy kí sinh trùng cho trâu, bò. Kiểm tra phát hiện kịp thời những trâu, bò có biểu hiện bệnh sán lá gan, ký sinh trùng đường máu để tranh thủ tiêm phòng, điều trị vào những ngày nắng ấm.
Các biện pháp thực hiện khi chống rét cho trâu, bò trong mùa đông
Khi nhiệt độ trên 120C
– Về chuồng trại: Dùng phên nứa, bạt che chắn chuồng nuôi đảm bảo không bị gió lùa, mưa hắt vào chuồng; giữ khô nền chuồng, buổi tối đưa trâu, bò về chuồng, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.
– Về thức ăn: Sau khi chăn thả về, ban đêm cho trâu, bò ăn thêm 10-15 kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 7 – 10 kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 2 – 3 kg rơm, 1 – 2 kg thức ăn tinh, cho uống nước ấm pha muối loãng (20 – 30g muối/con/ngày).
– Về chăm sóc, nuôi dưỡng: Tăng cường chế độ chăm sóc, bố trí khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho đàn trâu, nuôi dưỡng, bò có sức chống lại rét và bệnh dịch.
– Về phòng, chống bệnh dịch: Tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho những con trâu, bò chưa được tiêm phòng trong vụ thu – đông.
Hằng ngày kiểm tra, giám sát chặt chẽ biểu hiện đàn trâu, bò để có biện pháp xử lý kịp thời khi bệnh dịch xảy ra. Theo dõi, phát hiện và điều trị một số bệnh thường gặp như: giun đũa, cước chân, tiêu chảy, ký sinh trùng đường máu…
Khi nhiệt độ dưới 120C
Nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 120C, người chăn nuôi cần thực hiện dồn trâu, bò về chuồng, lán tạm, tuyệt đối không thả rông tự do ngoài đồng, ngoài bãi chăn thả, trên rừng qua đêm. Tiến hành nuôi nhốt trong chuồng, cho ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, khẩu phần ăn từ 30 – 40kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 26 – 34 kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 3 – 4 kg rơm, 1 – 2 kg thức ăn tinh, cho uống nước ấm pha muối loãng (20 – 30g muối/con/ngày).
Có thể thực hiện biện pháp chống rét cho trâu, bò bằng cách dùng chăn, bao tải khoác cho trâu, bò, hoặc có thể dùng bóng điện, đốt than củi, trấu để sưởi ấm cho trâu, bò đặc biệt là trâu, bò già, bê, nghé.
Nếu vào ngày rét đậm, rét hại thì bà con cần điều chỉnh lượng thức tinh tăng lên khoảng 2 kg để bổ sung năng lượng giúp trâu, bò chống lại giá rét. Chú ý cho trâu, bò ăn thức ăn thô trước rồi mới cho ăn thức ăn tinh, uống nước.
– Để tăng sức đề kháng cho trâu, bò, bà con cần chú ý bổ sung vitamin tổng hợp và muối khoáng. Có thể pha nước ấm 37 – 380C với muối, nồng độ 0,1 – 0,3% tương đương 10 – 30 g muối/10 lít nước.
– Cho trâu, bò uống đủ nước, tốt nhất là cho uống nước ấm có hoà muối.
Vào mùa đông, trâu, bò thường dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy bà con chăn nuôi phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò. Khi thấy trâu, bò có những biểu hiện khác thường như: bỏ ăn, sốt cao, đi lại chậm chạp… cần báo ngay với cơ quan Thú y để kiểm tra theo dõi và có biện pháp phòng trị kịp thời.
Tham khảo thêm tại www.mebipha.com và hotline 0948 810 808.
Bộ phận nghiên cứu phát triển.
Công ty TNHH SX TM Mebipha.