Bệnh sán lá gan là một bệnh khá phổ biến ở trâu, bò. Bệnh thường ở thể mãn tính làm con vật gầy ốm, giảm sức sản xuất sữa, sức kéo và khả năng chống đỡ các bệnh khác. Bệnh gây viêm gan, tắt ống dẫn mật, sán tiết độc tố, hút máu làm con vật kiệt sức và chết. Ở nước ta, trâu bò bị nhiễm sán lá gan quanh năm và xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Tuy nhiên, hiện nay người chăn nuôi vẫn chưa quan tâm nhiều đến căn bệnh này và chưa có các biện pháp phòng chống bệnh cho đàn trâu, bò một cách có hiệu quả. Trong bài viết này Mebipha sẽ giúp cho bà con hiểu rõ hơn về sán lá gan trên trâu, bò.
Nguyên nhân nào dẫn đến trâu, bò nhiễm sán lá gan
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sán lá gan trên, bò là do hai loài sán lá gây ra: Fasciola gigantica và Fasciola hepatica.
Sán Fasciola gigantica thường mỏng dẹp, có hình lá, màu đỏ nâu; có 2 giác bám: giác miệng và giác bụng. Sán Fasciola hepatica có hình dạng và màu sắc tương tự như Fasciola gigantica trên nhưng ngắn hơn, sau đầu có hai vai phình rộng ra.
Vòng đời: Sán lá trưởng thành sống trong các ống dẫn mật, đẻ trứng. Trứng theo ống dẫn mật về ruột rồi thải ra ngoài theo phân. Khi trứng gặp được các điều kiện thuận lợi như: rơi vào nước, thời tiết nóng ẩm thì trứng sẽ nở thành mao ấu, di chuyển trong nước. Mao ấu tìm và chui vào cơ thể ký chủ trung gian là các loài ốc nhỏ, không có nắp, sống phổ biến ở ao hồ, mương máng, ruộng trũng. Trong ốc mao ấu phát triển thành vĩ ấu và chui ra khỏi ốc. Vĩ ấu ra ngoài tự nhiên, rụng đuôi, biến thành “kén” tức ấu trùng cảm nhiễm. Kén trôi nổi trong nước hoặc bám vào các loài cây thủy sinh, khi gia súc uống nước, ăn phải cỏ, rau có kén sẽ nhiễm sán lá gan. Vào cơ thể ký chủ màng kén bị phân hủy và giải phóng ấu trùng. Ấu trùng tiếp tục di chuyển đến ống dẫn mật, ở lại đó và phát triển đến giai đoạn trưởng thành. Thời gian từ khi trâu, bò nuốt phải kén đến khi thành sán trưởng thành khoảng 3 tháng. Một sán lá trưởng thành có thể sống trong ống dẫn mật của gan khoảng 3 – 11 năm.
Đặc điểm dịch tễ của bệnh sán lá gan
Bệnh xảy ra ở tất cả các loài nhai lại. Trâu, bò có tỉ lệ nhiễm cao nhất cũng như khi bị nhiễm bệnh sẽ bị nặng nhất và ở mọi lứa tuổi. Đồng cỏ, bãi chăn ẩm thấp là nơi cần thiết để mầm bệnh có điều kiện phát triển và xâm nhập vào gia súc. Bệnh phân bố rộng khắp ở các vùng trong nước ta, vùng đồng bằng và trung du có tỉ lệ nhiễm bệnh cao hơn vùng núi và vùng ven biển.
Gia súc càng lớn tuổi thì tỉ lệ nhiễm sán càng tăng. Các loài ốc nước ngọt là ký chủ trung gian của sán lá gan, phân bố rất rộng. Ốc thích sống ở môi trường có pH kiềm, những nơi có nước sâm sấp và có dòng chảy nhẹ để ốc hô hấp.
Cơ chế sinh bệnh
Sán lá non trong quá trình di hành dễ gây tắc ống dẫn mật, tổn thương niêm mạc ruột non, đưa đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và ống dẫn mật. Sán lá trưởng thành sống trong các ống dẫn mật và túi mật di chuyển gây tổn thương thành mạch và gây viêm túi mật, viêm gan nhiễm khuẩn. Sán trưởng thành lấy chất dinh dưỡng và ăn hồng cầu từ gan mật để sống và phát triển làm bò gầy còm, thiếu máu. Sán trưởng thành trong quá trình ký sinh tiết ra độc tố tác động đến bộ máy tiêu hóa gây rối loạn tiêu hóa, viêm ruột cấp tính và mãn tính, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trâu, bò và dẫn đến tử vong do kiệt sức.
Kết luận
Phía trên là tất cả những thông tin về sán lá gan mà bà con chăn nuôi cần nắm rõ. Hiểu rõ về vòng đời của sán lá gan sẽ giúp bà con xác định tốt hơn trong cách phòng và điều trị bệnh sán lá gan trên trâu, bò. Khu vực đồng bằng có tỉ lệ đàn trâu, bò nhiễm sán lá gan cao nên bà con cần chú ý hơn trong việc chăn thả và kiểm soát sức khỏe của vật nuôi.
Tham khảo thêm tại www.mebipha.com và hotline 0948 810 808.
Bộ phận nghiên cứu phát triển.
Công ty TNHH SX TM Mebipha.