Bệnh liên cầu khuẩn ở heo là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây sang người nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Ở nước ta hằng năm vẫn ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn bởi sử dụng thịt heo nhiễm bệnh. Bệnh nguy hiểm không chỉ ở heo mà còn ở người nên bà con chăn nuôi cần hiểu rõ về bệnh liên cầu khuẩn. Trong bài viết này Mebipha sẽ thông tin cho bà con chăn nuôi heo biết về căn bệnh này và cách điều trị hiệu quả.
Bệnh liên cầu khuẩn là gì
Tác nhân gây bệnh liên cầu khuẩn heo là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Vi khuẩn gram dương, hình cầu hay hình ô van hoặc hình bầu dục.
Vi khuẩn có thể tồn tại trong phân, bụi bẩn, xác heo và ở cả những con ruồi, nhặng trong một thời gian dài. Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của heo bệnh, lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua kim tiêm nhiễm trùng. Heo con có thể bị lây nhiễm từ heo mẹ qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường máu. Đặc trưng của bệnh là gây viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, viêm đa thanh dịch, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây sẩy thai và đột tử ở heo. Đặc biệt nguy hiểm là thể nhiễm trùng huyết, viêm não trong các trại chăn nuôi heo tập trung có mật độ cao. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân, là lúc điều kiện chăn nuôi bất lợi cho heo và thuận lợi cho sự phát triển của liên cầu khuẩn.
Con đường lây nhiễm
Mọi lứa tuổi heo có thể mắc bệnh liên cầu khuẩn, heo từ 5 – 10 tuần tuổi dễ mắc bệnh nhất. Nhưng cũng có trường hợp heo 32 tuần tuổi hoặc heo sơ sinh được một vài giờ cũng có thể mắc bệnh.
Bệnh có thể lây từ heo sang các loài vật khác như chó, mèo, bò, dê và thậm chí rất nguy hiểm khi nó có khả năng lây và gây tử vong cho con người. Việc truyền bệnh từ heo bệnh sang người có thể do các vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở heo bệnh. Những người dễ nhiễm bệnh từ heo gồm những người làm việc ở trại chăn nuôi, người giết mổ gia súc, cán bộ thú y, người ăn tiết canh heo hoặc ăn thịt heo bệnh.
Triệu chứng
Heo sốt cao 42,50C, bỏ ăn, ủ rũ, mệt mỏi, đi tập tễnh do đau khớp. Trong thể quá cấp tính, heo chết nhanh mà không có triệu chứng của bệnh. Giai đoạn đầu, heo xuất hiện triệu chứng thần kinh, đi lại loạng choạng hoặc có tư thế đứng không bình thường, nhanh chóng chuyển sang trạng thái không đứng được, tư thế opisthotonus, co giật, giật cầu mắt. Mắt nhìn chòng chọc, niêm mạc mắt nhầy có màu đỏ. Heo hoạt động khó khăn, đi lại loạng choạng, khi nằm biểu hiện tư thế bơi chèo, tê liệt. Heo từ 1 – 3 tuần tuổi thường mắc bệnh thể viêm não và màng não với các triệu chứng như heo đang bú có hiện tượng ủ rũ, bỏ ăn, sưng hầu, khó nuốt, đi lại khó khăn, lông dựng đứng, da mẩn đỏ và sốt.
Khi bệnh liên cầu khuẩn ở heo xảy ra ở da, ban đầu tạo ra các ổ apxe, về sau phần da trên bề mặt các ổ apxe bị hoại tử sau 5 tuần, khoảng tuần thứ 7 – 8 các ổ apxe bị vỡ, dịch rỉ viêm màu xanh hoặc màu xám đen chảy ra, ổ apxe trở thành các tổn thương. Các tổn thương này sẽ khỏi hoàn toàn vào tuần thứ 10 nếu được vệ sinh chăm sóc tốt, nhưng sức khỏe của heo có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.
Điều trị
Khi phát hiện heo có các triệu chứng nhiễm bệnh liên cầu khuẩn cần điều trị sớm để tránh thiệt hại. Vi khuẩn Streptococcus gây bệnh mẫn cảm với các kháng sinh amoxicillin, ampicillin, cephalosporin, tetracycline, clindamycin, lincomycin, erythromycin, kanamycin, neomycin và streptomycin. Bà con có thể tham khảo một số sản phẩm kháng sinh hiệu quả và giá thành hợp lý như sau: AMOX WSP, KETOCEF LA, CEFTRI ONE LA, LINSPEC INJ,…Sử dụng các loại kháng sinh này để điều trị khi con vật mắc liên cầu heo ở thể nhẹ. Ngoài ra bên cạnh việc sử dụng kháng sinh cần bổ sung thêm cho heo nhiễm bệnh một số chế phẩm giúp bổ sung điện giải, tăng cường thể lực giúp nhanh chóng hồi phục bệnh như: METOSAL 10%, MEBI-ORGALYTE,… bổ sung thêm các acid amin, vitamin, khoáng chất và GLUCAN C giúp heo tăng cường sức đề kháng.
Trường hợp con vật mắc bệnh nặng, có triệu chứng thần kinh cần tiến hành tiêu hủy vì điều trị không có hiệu quả kinh tế.
Phòng bệnh
Heo nhập về nuôi phải rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi mới nhập heo phải tiến hành cách ly ít nhất 2 tuần. Tránh mật độ nuôi cao dễ gây stress, truyền bệnh cho heo. Thường xuyên phun thuốc diệt ruồi, muỗi để ngăn chặn nguồn mang vi khuẩn truyền bệnh vào trại.
Coi trọng việc phòng bệnh bằng vệ sinh chuồng trại như quét dọn rác, phân, chất độn chuồng, nước thải, tẩy uế bằng các loại sát trùng… Chú ý chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý đàn. Xác định và loại thải những heo nái mang mầm bệnh hoặc tách riêng để điều trị.
Xét nghiệm định kỳ bệnh cho heo để phát hiện nái mang mầm bệnh liên cầu khuẩn ở heo. Heo con cần được bú đầy đủ sữa đầu để có đủ kháng thể bảo vệ chúng trong giai đoạn dễ cảm nhiễm nhất. Hạn chế những tổn thương do chấn thương gây ra ở chân và bàn chân trong quá trình sinh sản, bằng cách tạo nền chuồng thuận tiện và thích hợp. Kiểm tra các khớp xương của heo thường xuyên, tránh các yếu tố bất lợi cho heo con.
Việc phòng bệnh tốt sẽ giúp bà con bảo vệ được đàn heo của bản thân khỏi các mầm bệnh. Chúc bà con luôn thành công trong công việc chăn nuôi của mình.
Tham khảo thêm tại www.mebipha.com và hotline 0948 810 808.
Bộ phận nghiên cứu phát triển.
Công ty TNHH SX TM Mebipha