Giá thịt lợn chạm đáy không phải do nhập khẩu

Giá thịt lợn trong nước đã xuống mức thấp nhất trong vòng hàng chục năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân được cho là thịt nhập khẩu giá rẻ tràn vào.

Giá thịt lợn hơi tại các tỉnh chăn nuôi lớn khu vực đồng bằng Bắc bộ hiện chỉ còn 22.000-25.000 đồng/kg. Đây được nhìn nhận là giá thấp nhất trong vòng hàng chục năm trở lại đây. Trong khi đó, nhập khẩu thịt các loại trong 3 tháng đầu năm 2017 vẫn chiếm 7-8% lượng tiêu thụ trong nước, với mức giá thấp.

thit

Thịt nhập khẩu các loại vào Việt Nam được bày bán ở siêu thị hiện chỉ chiếm khoảng 7-8% lượng thịt tiêu dùng trong nước

Giá cả vẫn cạnh tranh

Tại các tỉnh như Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội… hiện giá lợn hơi chỉ còn 22.000-25.000 đồng/kg, người chăn nuôi cầm chắc lỗ. Bộ NN&PTNT nhìn nhận, giá thịt lợn hơi trong nước trong tháng 3-2017 tiếp tục giảm so với tháng trước từ 2.000-3.000 đồng/kg. Nhiều ý kiến cho rằng, có tình trạng này là do thịt ngoại nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường. Tuy vậy, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, không phải như vậy.

Cụ thể, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu gần 10.500 tấn thịt lợn. “Con số này so với tổng sản lượng thịt của Việt Nam là không đáng kể. Nước ta đã sản xuất một lượng thịt lợn rất lớn, chất lượng đảm bảo với giá cả cạnh tranh được”, ông Hoàng Thanh Vân nhận định. Về thịt gà, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 121.000 tấn, chủ yếu từ Mỹ, Brazil và Hàn Quốc. So với tổng lượng thịt gà tiêu thụ trong nước, con số này cũng chỉ chiếm khoảng 8% và cũng chưa đủ tỷ lệ điều tiết giá thị trường.

Trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng thịt nhập khẩu các loại tiếp tục có xu hướng giảm. Thịt lợn 2 tháng nhập chỉ  đạt 1.667 tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, thịt gà nhập xấp xỉ 15.000 tấn, giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2016, thịt bò nhập hơn 6.500 tấn, giảm hơn 25%… “Nhập khẩu thịt trong 3 năm gần đây có xu hướng giảm. Trong khi đó, theo quy định của quốc tế, sản phẩm nhập khẩu của một nước chiếm 25% lượng tiêu dùng của nước nhập khẩu mới có tác động điều tiết thị trường”, ông Hoàng Thanh Vân nói.

Không có thịt gà ngoại giá mấy nghìn đồng

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, giá thịt lợn hơi trong nước giảm mạnh từ nửa cuối năm 2016 kéo dài đến nay là do cung – cầu trong nước mất cân đối nghiêm trọng. Trong năm 2016, cả nước xuất chuồng khoảng 5,6 triệu con lợn. Trong 3 tháng đầu năm nay, con số này là 2 triệu. “Dư cung là nguyên nhân quan trọng tạo ra tình trạng thừa sản phẩm chăn nuôi, nhất là với mặt hàng thịt lợn”, ông Tống Xuân Chinh cho hay. Thực trạng này càng tệ hơn khi xuất khẩu lợn mỡ tiểu ngạch sang Trung Quốc luôn trong trạng thái rất bấp bênh.

Từ năm 2016, để hạn chế tình trạng “vỡ trận” của ngành chăn nuôi lợn, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường và tiềm năng của từng địa phương, không tăng đàn ồ ạt. Đồng thời, các địa phương cần dừng tất cả các dự án xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi mới… Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã cử đoàn sang làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm ký kết hợp tác xuất khẩu thịt lợn qua con đường chính ngạch sang thị trường này.

Liên quan đến việc một số Hiệp hội chăn nuôi “tố” thịt gia cầm nhập khẩu chỉ 7.000-9.000 đồng/kg, ông Hoàng Thanh Vân cho biết, Cục Chăn nuôi đã cử cán bộ đi kiểm tra ở các siêu thị nhưng không phát hiện sản phẩm thịt gà “quá đát” hay có giá rẻ như vậy. Hơn nữa, giá nhập khẩu gà bình quân năm 2016 là 0,82 USD/kg, tương đương 20.000 đồng/kg, chưa tính phụ phí khác như vận chuyển, kho tàu, bến bãi, thuế. “Không có sản phẩm thịt gà nhập khẩu có giá mấy nghìn đồng/kg như thông tin vừa qua. Còn thịt nhập khẩu giá có rẻ hơn một chút so với thịt nội bởi chăn nuôi nước ngoài áp dụng công nghệ hiện đại hơn”, ông Hoàng  Thanh Vân khẳng định.

Về năng lực kiểm soát thịt nhập khẩu, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, hiện nay, Việt Nam có trao đổi sản phẩm hàng hóa với các nước theo các hiệp định thương mại đa phương và song phương nên việc xuất – nhập thịt là việc bình thường, không có chuyện quá dễ dãi. Các sản phẩm này đều được các cơ quan kiểm định, kiểm dịch, kiểm soát chất lượng.

 

Nguồn: Tuyết Nhung – Báo An Ninh Thủ Đô