4 tình huống ứng phó khi có cúm A/H7N9 ở Việt Nam

Việt Nam đã lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp với sự xâm nhiễm của virus cúm A/H7N9 và các loại virus cúm độc lực cao từ Trung Quốc với bốn tình huống ứng phó.

news_230

Bộ NN&PTNT đã sẵn sàng 4 tình huống ứng phó nguy cơ xuất hiện virus cúm A/H7N9 tại Việt Nam.

Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT), virus cúm A/H7N9 nguy hiểm ở chỗ là gia cầm mắc bệnh không có triệu chứng lâm sàng, trong khi lây sang người thì tỷ lệ tử vong cao tới 40%.

Hiện cả Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT đều lên kế hoạch khẩn cấp với 4 tình huống được đặt ra. Với ngành nông nghiệp, tình huống 1 là khi chưa phát hiện virus cúm ở môi trường, gia cầm, ở người và Việt Nam đang ở tình huống này, đã triển khai đồng loại các giải pháp thời gian qua.

Với tình huống 2: Khi chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh.

Bộ NN&PTNT sẽ dùng đội phản ứng nhanh phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế điều tra dịch tễ chung, tăng lấy mẫu giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm và môi trường tại khu vực có bệnh nhân mắc bệnh và những khu vực có yếu tố dịch tế liên quan.

Trên cơ sở kết quả điều tra dịch tễ ca bệnh trên người, đề nghị chính quyền địa phương cấm tạm thời việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn có nguy cơ cao trong khoảng thời gian 7 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ trên đàn gia cầm.

Bộ Công Thương xây dựng phương án cung cấp các loại thực phẩm thay thế, bình ổn giá và chỉ đạo các địa phương thực hiện. Các bộ Công Thương, Công an, GTVT chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ, giám sát việc thực thi các biện pháp do ngành nông nghiệp và y tế khuyến cáo áp dụng, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Địa phương có bệnh nhân mắc bệnh thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo, giám sát chặt địa bàn có bệnh nhân và những nơi có liên quan về dịch tễ.

Hệ thống thú y địa phương tăng lấy mẫu giám sát đàn gia cầm và môi trường để xét nghiệm virus A/H7N9; tăng kiểm dịch tại gốc nhằm cung cấp gia cầm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng cho người tiêu dùng.

Các ban ngành chức năng của địa phương tăng giám sát việc thực thi các biện pháp kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn xã có bệnh nhân.

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực và phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan, chuẩn bị đủ kinh phí, dụng cụ, hóa chất, địa điểm chôn lấp gia cầm trong trường hợp phát hiện ca bệnh cúm A/H7N9 trên động vật.

Với tình huống 3: Phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh.

Đội ứng phó nhanh của Bộ NN&PTNT trực tiếp xuống địa bàn có mẫu dương tính để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; phối hợp với Bộ Y tế để điều tra dịch tễ.

Khu vực điều tra gồm cả truy xuất ngược và xuôi đối nguồn gốc của gia cầm, địa điểm đã mua hoặc bán gia cầm, thông báo cho chính quyền địa phương và người dân để phòng tránh lây nhiễm virus. Tổ chức lấy mẫu giám sát đàn gia cầm ở những khu vực có yếu tố dịch tễ liên quan.

Với trường hợp virus cúm A/H7N9 trên các mẫu lấy tại chợ: Cấm tạm thời việc bán gia cầm sống đối với chợ dương tính trong khoảng thời gian tối thiểu 7 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ, xác minh nguồn gốc của virus trong chợ. Điều tra truy xuất nguồn gốc gia cầm bán trong chợ để xác định các trang trại đã cung ứng; giám sát các chợ gia cầm thứ cấp có liên quan.

Lấy mẫu giám sát và tiêu hủy ngay những đàn gia cầm đang được bán trong chợ. Triển khai việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hàng ngày đối với toàn bộ khu vực chợ để giảm thiểu phát tán vi rút, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tăng cường lấy mẫu giám sát tại các chợ có liên quan.

Trường hợp phát hiện virus cúm A/H7N9 trong các mẫu thu thập từ trại chăn nuôi: Tiến hành điều tra dịch tễ; tiêu hủy gia cầm trong trang trại nhằm giảm thiểu nguy cơ lây truyền vi rút ra ngoài, hỗ trợ chủ gia cầm bị tiêu hủy như đối với trường hợp hủy do cúm H5N1.

Đóng cửa trang trại trong ít nhất 21 ngày và thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn trang trại. Đàn gia cầm tại các địa điểm có yếu tố dịch tễ liên quan sẽ được giám sát, đồng thời thực hiện vệ sinh, khử trùng tại những nơi này.

Kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn cấp huyện, nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch thú y. Tổ chức tiêu độc khử trùng ở địa bàn phát hiện virus cúm A/H7N9.

Trường hợp phát hiện virus A/H7N9 trong thôn, bản, ấp có nuôi gia cầm: Tiến hành điều tra dịch tễ để xác định những đàn gia cầm có tiếp xúc với đàn bị nhiễm bệnh; tiêu hủy tất cả gia cầm trong các đàn bị nhiễm bệnh và đàn có tiếp xúc với đàn nhiễm bệnh.

Tiêu độc và khử trùng khu vực có đàn gia cầm nhiễm bệnh; tạm dừng việc vận chuyển gia cầm trong thôn, bản, ấp, bao gồm cả việc cấm thả rông gia cầm; lấy mẫu xét nghiệm thêm để xác định mức độ lan truyền vi rút trong địa bàn; thông báo cho ngành y tế để tiến hành giám sát bệnh trên người.

Đồng thời, xây dựng bản đồ dịch tễ lưu hành vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường (chợ, trang trại, thôn làng) và thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Tình huống 4: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ virus nhân lên, phát tán rộng và tiếp tục lây nhiễm cho động vật, cho người, sẽ triển khai các biện pháp như tình huống 2 và 3. Đồng thời đề nghị các tổ chức quốc tế và các nước hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch.

Nguồn: tienphong.vn