Bệnh biên trùng trên bò và những điều cần phải biết

Bệnh biên trùng là một trong những bệnh ký sinh trùng đường máu phổ biến ở bò. Bệnh phân bố ở tất cả các vùng trong cả nước, bò mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Bệnh có mức độ nguy hiểm cao, gây thiếu máu, nhiễm độc dẫn đến tử vong, làm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Vậy nên bà con cần nắm được nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả dưới đây.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh biên trùng là một căn bệnh do ký sinh trùng đơn bào Anaplasma spp trong đường máu gây nên và được tìm thấy nhiều ở bò, đặc biệt là bò sữa nhập nội. Ký sinh trùng này có đặc điểm là có thể tồn tại trong máu của vật nuôi nhiều năm.

Biên trùng chủ yếu ký sinh ở vùng ngoại biên của hồng cầu, có từ 1 đến 4 cá thể hay nhiều hơn. Ngoài ra còn gặp biên trùng ký sinh ở bạch cầu và tiểu cầu.

Bò bị nhiễm bệnh biên trùng chủ yếu bị lây nhiễm qua vật chủ trung gian là ve cánh cứng (Boophilus spp), chúng hút máu bò bị bệnh rồi truyền sang cho bò khỏe. Một số loài côn trùng hút máu khác cũng có thể lây truyền bệnh như mòng, ruồi, muỗi. Bệnh thường lây lan mạnh vào màu hè-thu, đây là thời điểm côn trùng hút máu phát triển mạnh, hút máu và truyền bệnh cho bò. Khi bước vào thời điểm mùa đông, thời tiết lạnh, sức đề kháng của bò giảm, thức ăn xanh thiếu nên những con bò mang biên trùng sẽ phát bệnh và chết với tỷ lệ cao.

Ký sinh trùng đơn bào Anaplasma spp

Triệu chứng

Biên trùng xâm nhập vào cơ thể và ký sinh trong hồng cầu, hút chất dinh dưỡng, phá hủy hồng cầu, gây thiếu máu trầm trọng. Mặt khác, chúng sản sinh độc tố, tác động lên thần kinh trung ương gây sốt cao kéo dài trong suốt thời gian bệnh. Tùy thuộc vào thể trạng và sức đề kháng của con vật mà bệnh có thể phát ra nặng hay nhẹ. Thời kỳ nung bệnh từ 7-14 ngày. Bò bệnh thường có các biểu hiện sau:

Thể cấp tính: Bò sốt cao 40-410C, nhiệt độ lên xuống thất thường, lúc sốt cao toàn thân run rẩy, các cơ bắp, vai, mông co giật. Bò thở gấp, khó thở do hồng cầu không tiếp nhận được oxy, tim đập nhanh, mạnh, bò bỏ ăn không nhai lại, giảm nhu động dạ cỏ, chảy nhiều nhớt dãi. Các niêm mạc miệng, mắt nhợt nhạt, thiếu máu do hồng cầu bị phá hủy. Bò bị tiêu chảy và gầy sút nhanh, nếu không điều trị kịp thời bò bệnh sẽ chết.

Bệnh biên trùng thể cấp tính

Thể mãn tính: Triệu chứng giống thể cấp tính nhưng mức độ có phần nhẹ hơn. Thường một số con bệnh sau khi vượt qua thể cấp tính chuyển sang thể mạn tính với các triệu chứng sốt 39-410C trong 7-10 ngày thì giảm xuống sau đó lại tăng lên, cứ như thế trong vòng 1 tháng. Bò gầy còm, ăn ít, suy nhược, thiếu máu, không tiết sữa, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời con vật có thể chết do suy kiệt.

Bệnh biên trùng thể mãn tính

Điều trị cho bò nhiễm biên trùng

Để điều trị bệnh, bà con cần lựa chọn chế phẩm chứa hoạt chất Diminazene tiêm liên tục trong vòng 2-3 ngày cho bò. Do có nhiều chế phẩm với nồng độ và hàm lượng khác nhau trên thị trường, bà con cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để mang lại hiệu quả điều trị cao cũng như hạn chế được những tác dụng phụ của thuốc. Sau khi tiêm bà con cần tránh khai thác giết mổ bò trong vòng 21 ngày.

Trong điều trị cần kết hợp với các thuốc bổ trợ để bồi dưỡng và tăng cường sức đề kháng cho bò bằng các sản phẩm có chứa: cafein, vitamin B1, B12, C, Canxi, Phospho, khoáng vi lượng,… Tiêm thêm trợ sức, trợ lực, hạ sốt phòng kế phát các bệnh khác. Cho uống thuốc nhuận tràng (dầu thầu dầu hay dầu hướng dương và sữa). Nuôi dưỡng bò trong chuồng trại mát mẻ, cho ăn cỏ tươi. Khi sức khỏe bò được cải thiện và ổn định trong một thời gian mới cho phép đi chăn thả.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Để phòng tránh bệnh biên trùng hiệu quả thì trước hết bà con cần thực hiện tốt biện pháp vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng:

– Vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi và phương tiện chăn nuôi thường xuyên. Thực hiện phát quang bụi rậm, lấp vũng nước, khơi thông cống rãnh, bãi chăn để côn trùng không có nơi lưu trú và phát triển. Phun các sản phẩm thuốc tiêu diệt côn trùng ở quanh chuồng trại theo định kỳ 1 tháng/lần.

– Tăng cường nuôi dưỡng, chăm sóc tốt cho bò trong thời điểm giao mùa để nâng cao sức đề kháng. Đảm bảo thức ăn dinh dưỡng, nước uống sạch cho vật nuôi trong thời gian mùa đông.

– Bà con nên tiến hàng kiểm tra máu định kỳ 4-6 tháng/lần, để phát hiện biên trùng trong năm.

Tham khảo thêm tại www.mebipha.com và hotline 0948 810 808.

Bộ phận nghiên cứu phát triển.

Công ty TNHH SX TM Mebipha.