Bò ít khi bệnh tật, chỉ cần tận dụng diện tích đất sẵn có trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho bò là người nuôi không phải lo nghĩ…
“Mỗi năm, chỉ tính riêng lượng phân do đàn bò thải ra cũng đủ để gia đình sử dụng khí đốt trong sinh hoạt, bón, tưới cho hơn 1,2 ha vườn cây ăn trái cũng như trả tiền cho nhân công để phát triển đàn bò”, anh Phạm Viết Lượng (32 tuổi, ngụ thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, Bình Phước) chia sẻ.
Tốt nghiệp ngành Quản lý đất đai, Đại học Nông Lâm TP.HCM, anh Phạm Văn Lượng quyết định trở về quê hương để lập nghiệp. Là một người sinh ra từ làng, được học hành bài bản, Lượng luôn trăn trở phải làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà.
Năm 2015, từ một khoản tiền tích góp và sự hỗ trợ ban đầu của gia đình, Lượng đã vay mượn thêm hàng trăm triệu từ ngân hàng để mua 10 con bò giống, bò mẹ và xây dựng chuồng trại, hầm biogas, cây ăn trái, hệ thống tưới tự động…
Do thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, lứa bò giống, bò mẹ đầu tiên được Lượng mua không thực sự tốt, không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. “Sau khi thất bại bước đầu, mình đã quyết tâm không bỏ cuộc và xuống Bến Tre học hỏi kinh nghiệm cũng như mua bò giống Brahman ở những trại có uy tín về nuôi. Những khó khăn dần qua đi khi mình bắt đầu có kinh nghiệm hơn”, Lượng chia sẻ.
Trên diện tích hơn 1,5 ha trước đây gia đình trồng cao su, Lượng đã đầu tư trồng cỏ cao sản giống VA06 xen canh các loại cây ăn trái như bưởi, mãng cầu, mít… và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP. Sau 4 năm vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo, internet, các lớp hội thảo đầu chuồng, đàn bò của Lượng đã có hơn 40 con, trong đó hơn 20 con bò mẹ. Đàn bò sinh ra khoảng 20 con/năm cho thu lãi bình quân khoảng 300 triệu đồng.
Với lượng phân bò thải ra hàng tháng rất lớn, Lượng dùng một phần dẫn xuống hầm biogas để xử lý chất thải, giải quyết môi trường, tạo nguồn khí gas sử dụng trong sinh hoạt, đồng thời nước phân từ hầm biogas được tận dụng tưới cho hơn 1,2 ha cây ăn trái.
Đối với lượng phân bò dôi dư, Lượng mua các chế phẩm sinh học về để ủ sau đó bán lại cho người dân trong vùng mang lại nguồn thu nhập trên 70 triệu đồng mỗi năm, đủ để trang trải chi phí thuê nhân công chăm sóc đàn bò của mình. Ngoài bò, vườn cây ăn trái kế bên đang phát triển rất tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu không nhỏ mỗi năm.
Trao đổi về mô hình trang trại nuôi bò khép kín của Phan Văn Lượng, bà Lê Thị Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Riềng cho biết: “Đây là mô hình phát triển kinh tế khá điển hình của địa phương. Chúng tôi cũng đã tư vấn, chỉ dẫn các hội viên, nông dân trực tiếp đến để học tập kinh nghiệm. Dịch tả lợn Châu Phi chưa biết khi nào kết thúc thì nuôi bò cũng có thể là một lựa chọn người dân trong thời gian tới”.
“Gần đây khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, nhiều người dân trước đây nuôi heo cũng đã đến tham quan, học hỏi và đặt mua bò giống về nuôi. Tôi cũng tư vấn tận tình và sẵn sàng cung cấp giống bò tốt nhất. Nuôi bò khá nhàn so với các loại động vật khác. Bò ít khi bệnh tật, chỉ cần tận dụng diện tích đất sẵn có trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho bò là người nuôi không phải lo nghĩ”, Lượng nói.
Hiện Lượng đang có ý định tiếp tục hợp tác đầu tư mở rộng thêm một trang trại tại huyện Đồng Phú để nhân rộng mô hình này, đồng thời phát triển các chuồng nuôi trùn quế, tận dụng nguồn phân dôi dư để sản xuất phân trùn quế nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Nguồn: www.nongnghiep.vn