Kinh doanh rất nhân văn của người Nhật

Tinh-cach-con-nguoi-nhat-ban

Triết lý kinh doanh của người Nhật rất nhân văn, dường như người Nhật Bản rất thấm nhuần và áp dụng giáo lý đạo Phật trong cuộc sống hằng ngày cho nên họ quý trọng, xem con người đều bình đẳng vì cùng có Phật tính như nhau chứ không dựa vào dáng vẻ giàu nghèo bên ngoài.

Trong vòng xoáy kinh tế thị trường, những suy nghĩ của họ thường xuyên là làm việc phải có lợi ích cho người khác trước, nghĩ đến mình sau, không tư lợi cá nhân, cũng như không dám trộm cắp, hại người để được thu nhận nghiệp quả tốt, tránh bị quả báo khi làm hại người khác.

Những tư duy đó cũng được áp dụng vào kinh doanh, làm cho triết lý kinh doanh của người Nhật rất nhân văn, phải chăng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của Nhật Bản, vực dậy từ đổ nát của chiến tranh để trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Bản tính trung thực

Sự trung thực của người Nhật in đậm nét ở những “mini shop không người bán” tại Osaka. Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ nhàng và đơn giản. Các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka… cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ, túi xách.

Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào. Người Nhật tự hào khẳng định động từ “ăn cắp vặt” gần như đã biến mất trong từ điển. Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5-10% khi biết bạn là khách nước ngoài.

Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các bác tài sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn: “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ.” Họ không đi vòng vo, gian dối để lấy tiền của khách.

Không được quảng cáo ồn ào

Nguyên tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật. Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa khuyến mãi, cũng không một cửa hàng nào được đặt máy phát ra tiếng. Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.

Thậm chí, tất cả đường cao tốc đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi xe lưu thông trên đường. Osaka bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn một hòn đảo nhân tạo để làm sân bay rộng hơn 500 ha ngay trên biển. Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.

Nhân văn

Vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch? Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn để phần 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên. Việc này thật là nhân văn, cũng giống như ở Đức, vào mùa đông các gia đình phải làm chuồng chim, trong chuồng có sẵn thức ăn, nước uống cho chim tự nhiên. Con người biết yêu thương muôn loài, thì chắc chắn đối với đồng loại họ sẽ càng nhân văn hơn.

Bình đẳng và xếp hàng

Mọi đứa trẻ đều được dạy về sự bình đẳng. Để không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy nhất. Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng xe hơi.

Văn hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất cứ sự ưu tiên. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày ở Nhật, bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình chính là Thủ tướng.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, ngày 11/3/2011, một trận động đất 9 độ richter đã xảy ra ngoài khơi biển Bắc Nhật Bản. Chỉ một giờ sau đó, những cơn sóng cao hàng chục mét bắt đầu tấn công bờ biển, đánh sập nhiều nhà cửa, công trình công cộng. Cơn sóng thần Nhật Bản 2011 đã gây ra một thảm họa đau thương cho đất nước Nhật Bản: 18.000 người đã không kịp sơ tán và mất mạng, hàng nghìn người khác mất tích, hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Nhưng trong thảm họa này, thế giới một lần nữa phải nghiêng mình kính nể người Nhật Bản kiên cường, giàu ý chí và lòng khiêm nhường sâu sắc. Mặc dù mưa bão đói khát, nhưng những người dân trong thảm họa vẫn xếp hàng ngay ngắn đợi được cứu trợ, không xếp hàng hộ người khác, tình trạng tranh giành đồ ăn hay cướp bóc hoàn toàn không xảy ra. Thậm chí dù đang đói, nhưng ở những cửa hàng không có người bán, tự lấy hàng, tự trả tiền cũng không hề bị mất mát.

Nguồn: Thành Tâm (ĐKN)