Thịt nhập ngoại tràn ngập, liệu có an toàn?

Tình trạng thịt gia súc, gia cầm ngoại được nhập ồ ạt vào Việt Nam và bán với giá tương đương, thậm chí một số loại thấp hơn thịt nội đã khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngại về chất lượng. Việc kiểm soát, cấp phép nhập khẩu thịt từ nước ngoài được thực hiện như thế nào? Liệu có tình trạng hàng cận “đát” lách luật nhập khẩu vào Việt Nam? Cục Thú y đã có ý kiến xung quanh các vấn đề này.

trang3-70b_CVVW

Thịt ngoại đông lạnh giá rẻ được bán tràn lan trong siêu thị. Ảnh: K.LINH

Chỉ 1 – 2 mẫu có chất cấm trong hàng trăm mẫu kiểm tra

Trong nội dung trao đổi với PV Báo Lao Động, Cục Thú y khẳng định: Thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); đồng thời theo báo cáo của các cơ quan cửa khẩu thì hạn sử dụng của các lô hàng nhập khẩu về tới Việt Nam còn hạn sử dụng ít nhất là 8 tháng.

 

Đối với thịt từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 8.4.2010 của Bộ NNPTNT hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh ATTP hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu, nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

 

Theo quy định, tất cả các lô hàng thịt đông lạnh được nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ ở khu vực cửa khẩu nhập và được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Các cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu 100% lô hàng thịt nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định của Bộ Y tế, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm yêu cầu mới được phép làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ nội địa. Bởi vì, trên các thùng carton chứa đựng thịt đều có nhãn mác hàng hóa (ghi rõ nguồn gốc xuất xứ thịt từ nước nào, ngày sản xuất và hạn sử dụng, hướng dẫn nhiệt độ bảo quản thịt,…).

 

Theo quy định, định kỳ Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu xây dựng kế hoạch giám sát các chất tồn dư trong thịt nhập khẩu, tổ chức lấy mẫu kiểm tra các chất tồn dư trong thịt nhập khẩu.

 

Trong đó, năm 2016, các cơ quan thú y cả khâu tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất tồn dư đối với 221 mẫu thịt nhập khẩu. Kết quả chỉ phát hiện 1 mẫu thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Hoa Kỳ có hàm lượng ractopamine nhưng ở ngưỡng cho phép của Bộ Y tế. Quý I/2017, qua kiểm tra 60 mẫu cũng chỉ phát hiện 2 mẫu thịt bò nhập khẩu từ Hoa Kỳ phát hiện có ratopamin, nhưng ở dưới ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

Làm gì để bảo hộ 8 triệu hộ chăn nuôi?

 

Cục Thú y cho biết, trong gần 3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 16.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và chủ yếu từ Hoa Kỳ, Úc. Như vậy ước tính mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu khoảng hơn 5.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Số lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình giá cả thị trường trong nước, nếu giá thịt gia súc, gia cầm trong nước cao thì có thể các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hơn. Trong đó, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15.3.2017 cả nước nhập khẩu 2,78 nghìn tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD. Như vậy, tương đương trung bình mỗi 1kg thịt từ Brazil nhập về Việt Nam chỉ vào khoảng 1,44 USD (gần 33.000 đồng).

 

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, số lượng thịt nhập khẩu đó không nhiều, nhưng cũng không ít trong điều kiện chăn nuôi của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. “Chúng ta tuân thủ Hiệp định Tự do thương mại, nhưng cũng cần có chính sách bảo hộ đối với trên 8 triệu hộ chăn nuôi Việt Nam. Trong đó, ngoài các giải pháp phát triển chăn nuôi tăng giá trị, giảm giá thành, đảm bảo ATTP…, Nhà nước cần xây dựng các hàng rào thương mại để ngăn chặn thực phẩm không an toàn, thực phẩm cận “đát”, thậm chí quá “đát”, kiểm soát, đề phòng các nguồn dịch bệnh…” – ông Chinh nhấn mạnh.

 

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong giai đoạn hội nhập, việc lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia là điều tất yếu. Tuy nhiên, trước sức ép của thực phẩm ngoại, nguy cơ bị cạnh tranh trên sân nhà của ngành nông nghiệp là khó tránh khỏi nếu không nhanh chóng tự đổi mới. Trong đó, cần phát triển chăn nuôi theo chuỗi để tăng giá trị, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh ATTP và giảm giá thành chăn nuôi để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường, khai thác tối đa tiềm năng của từng loại vật nuôi trong từng vùng sinh thái. Duy trì, phát triển các giống gia súc, gia cầm địa phương có lợi thế và khả năng cạnh tranh, chất lượng thịt thơm ngon, hợp thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản phù hợp với điều kiện chăn nuôi của vùng, miền, địa phương.

Theo: Nguyễn Long (Báo Lao động)